ANIME REVIEW: GUNSLINGER GIRL

Gunslinger girl lấy bối cảnh tại Ý xoay quanh các cô bé có gia đình bị sát hại bởi tội phạm hay có hoàn cảnh cực kỳ khủng khiếp, được nhận vào một ngôi trường đặc biệt hoạt động dưới sự điều khiển của chính phủ trong việc chống lại các băng nhóm tội phạm trong thế giới ngầm. Tại đó, các cô bé được tẩy não để quên đi quá khứ khủng khiếp và đào tạo để trở thành sát thủ. Những đứa trẻ cũng được tiến hành cyborg một số phần của cơ thể đã bị hỏng để chiến đấu hiệu quả hơn.

 -  Tên: Gunslinger girl
 -  Năm phát hành: 2003
 -  Studio: Madhouse
 -  Số tập: 13
 -  Rating (Anidb) 6.34; (Myanimelist) 7.61
Những điểm nổi bật
 -  Cốt truyện: Câu chuyện ảm đạm về những cô bé sát thủ.
 -  Kết phim: Cái kết mở hay hơn bao giờ hết.
 -  Animation: Quay phim tuyệt vời.
 -  Âm nhạc: Soundtrack tuyệt hảo.
 -  Nhịp độ: Khởi đầu chậm.
 -  Nhân vật: Quá ít thông tin cá nhân.
 -  Đồ họa: Đôi khi còn sơ sài.
Những chiến binh trẻ tuổi thì có gì mới? Đề tài thanh thiếu niên tham gia chiến đấu có lẽ đã cũ mòn như thể loại Mecha và sản sinh nhiều tác phẩm kinh điển như Evangelion. Còn anime này kể về những cô bé trong một tổ chức chống khủng bố. Vậy thực sự điều mới lạ ở đây là gì?
Đó là tất cả mọi thứ! Gunslinger girl rất khác biệt so với tất cả anime cùng thể loại, nó phá bỏ mọi quy tắc thông thường. Những cô gái trong anime giết khủng bố và đôi khi là cả dân thường vô tội. Chắc chắn phải có ít nhất một người hùng nào đó phản đối những hành động sai trái này? Hoàn toàn không! Những cô bé đã bị tẩy não để vâng lời, và vì vậy họ không bao giờ thắc mắc về mệnh lệnh của cấp trên. Vậy có phải họ lạnh lùng, nghiêm khắc và vô cảm như Ayanami Rei? Cũng sai nốt! Họ là những cô gái tuổi teen bình thường với ước mơ, hy vọng, cảm xúc và nhân cách riêng. Các cộng sự của họ trong Fratellos được xem như những người cha, người bạn hay người huấn luyện - không có định nghĩa nào chuẩn hơn về họ ngoài ba chữ: họ giết người. Hiếm khi nào tôi thấy một câu chuyện ảm đạm về những cô gái sát thủ như ở đây - ngay cả  Now and Then, Here and There còn có một "kiểu nhân vật anh hùng" căm ghét việc giết chóc. Điều duy nhất khán giả có thể làm với Gunslinger girl đó là cảm thông cho những cô bé ấy.
Bộ phim trình diễn rất tốt nhờ sự phân tập một cách tự nhiên. Phần lớn các tập phim tập trung vào mối quan hệ giữa các cô gái và người đồng hành trong một Fratello, và cho thấy cách họ hoàn thành một nhiệm vụ. Chỉ tới nửa sau của bộ phim thì mô típ này mới thay đổi với hai cặp Fratello, đồng thời hé lộ thêm về lý do các cô gái gắn bó với cộng sự của họ. Trong khi Gunslinger girl kết thúc mà chưa có giải pháp nào cho sự xung đột khủng bố, bộ phim khép lại khi bạn nhận ra cách thế giới này được thiết lập: bạn thấy những cô gái trở thành kẻ sát nhân, thấy cuộc sống của họ... và rồi hiểu ra kết cục sẽ xảy đến với họ. Một kết thúc mở cho một anime có phần thể hiện tuyệt vời chưa từng có.
Gunslinger girl không chỉ có kịch bản hay mà còn sở hữu chất lượng hình ảnh đáng chú ý. Tất cả các cảnh hành động được đạo diễn rất tốt, gay cấn và sống động. Animation thì sạch đẹp, sắc nét, thiết kế nhân vật xuất sắc. Điều duy nhất chưa ổn là thiết kế cảnh nền thường sơ sài và mờ nhạt, mặc dù bạn vẫn nhận ra được khung cảnh nước Ý như anime mô tả, nhưng cũng không thể nói là đẹp được. May mắn thay, phần âm nhạc tuyệt vời đã bù đắp phần nào cho thiếu sót ấy. Sự tăm tối của cả series được mở đầu bằng ca khúc "The Light Before We Land" do nhóm nhạc Scotland "The Delgados" thể hiện, và kết phim cùng giai điệu của “Dopo il Sogno” ăn khớp với khung cảnh nước Ý. Âm nhạc không được sáng tác bởi Kanno Yoko hay Kajiura Yuki, nhưng rất gần với phong cách của họ.
Vậy chúng ta đã có một bộ anime hoàn hảo? Không hẳn là vậy. Trong khi nhịp phim tổng thể là khá tốt thì hai tập đầu tiên có đôi chút chậm chạp, vì kể cùng một nội dung chỉ là với hai điểm nhìn khác nhau. Tôi không thích lãng phí thời gian như vậy khi chỉ có 13 tập phim để thể hiện toàn bộ câu truyện. Điều đáng phàn nàn nhất là trong suốt bộ phim, chúng ta biết được hầu hết mọi thứ về các cô gái và một vài câu chuyện của nhân vật phụ, nhưng lại không biết gì nhiều về Jose – người cộng sự quan trọng nhất trong nhóm. Anh ta xuất hiện hầu như phân nửa bộ phim cùng với Henrietta nhưng hoàn cảnh riêng lại không bao giờ được tiết lộ.
Nói tóm lại, Gunslinger girl là một anime gần như hoàn hảo với chỉ một vài lỗi nhỏ. Mở đầu chậm có thể là điểm trừ, nhưng một cốt truyện hấp dẫn và có chiều sâu về tuổi thơ dữ dội đã khỏa lấp hoàn toàn điều đó. Mới mẻ và lý thú? Chắc chắn rồi. Nếu bạn là fan của drama pha thêm một chút hành động, anime này là dành cho bạn.
Người dịch: Hanoian
Nguồn: Nihonreview
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét:

ANIME REVIEW: PRINCESS TUTU

Nhìn lại một giai đoạn phát triển mới của anime khi bước vào thế kỉ 21, rất nhiều bộ phim đã cố gắng không đi theo lối mòn mà tìm tòi những cách tiếp cận độc đáo về nội dung cũng như hình thức. Mặc dù không phải anime nào cũng thành công nhưng cũng có không ít bộ đã đem đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Princess Tutu là một anime như thế. Với kịch bản gốc không được chuyển thể từ bất kì tác phẩm nào, Princess Tutu xứng đáng được hoan nghênh bởi sự sáng tạo và khác biệt trong thể loại shoujo nói riêng và tất cả anime nói chung.
 -  Tên: Princess Tutu
 -  Năm phát hành: 2002
 -  Studio: Hal film Maker
 -  Số tập: 38 (TV series); 26 (DVD)
 -  Rating (Anidb) 8.1; (Myanimelist) 8.25
Ngày xưa, có một người viết câu chuyện cổ tích “Hoàng tử và con quạ” nhưng đã qua đời trong khi truyện còn dang dở. Hai nhân vật đã thoát khỏi truyện ra thế giới thực. Hoàng tử phải tự đâm vỡ trái tim mình để phong ấn con quạ nên anh mất đi mọi cảm xúc. Linh hồn tác giả đã tặng cho một chú vịt khả năng biến hình thành người để tìm kiếm những mảnh vỡ trái tim và trả lại cho chàng. Cô hóa thân thành Princess Tutu với ao ước được nhìn thấy Hoàng tử nở nụ cười.

Những dòng sơ lược này không có vẻ gì hứa hẹn sẽ mang đến một nội dung mới lạ, không những thế còn mang hơi hướng chuyện cổ tích vốn dĩ theo những mô típ rõ ràng dễ đoán. Tuy nhiên bộ phim có sự pha trộn rất hài hòa giữa cổ tích châu Âu, múa ba-lê và Mahou shoujo. Những câu chuyện và các vở ba-lê nổi tiếng như Vịt con xấu xí, Hồ thiên nga, Giselle, Người đẹp ngủ trong rừng, Cô gái Lọ Lem, Đôi giày đỏ… được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, luân phiên và đầy bất ngờ. Cùng một truyện kể chúng ta đã nghe, đã thuộc, Princess Tutu vừa giữ được văn phong nó vốn có vừa biến nó trở nên cách điệu và khác biệt. Anime không hề cố gắng cải biên nguyên tác mà chỉ lấy đó làm nguồn cảm hứng và yếu tố bổ trợ cho cốt truyện chính. Cách dẫn dắt của bộ phim cũng rất đáng khen ngợi, từ lời dẫn truyện khi bước vào mỗi tập phim cho đến lời bình của tác giả xen kẽ trong mạch truyện, tất cả đều gợi không khí cổ xưa và đậm chất thần tiên.

Khi Puella magi Madoka magica ra đời, người ta thường nhớ về Princess Tutu như tác phẩm Mahou shoujo tăm tối đầu tiên của thể loại này. Anime mang màu sắc hoàn toàn khác so với sự tươi sáng, rực rỡ của Cardcaptor Sakura hay Sailor moon. Bộ phim hướng đến một nội dung nhiều mâu thuẫn. Ai bảo tình yêu của Thiên nga đen là không thuần khiết? Có nên giúp đỡ một người mà vô tình đem đến đau khổ cho họ? Nên sống một vai diễn hạnh phúc hay chết khi được làm chính mình? Anime đã khai thác tốt tiềm năng của một cốt truyện có chiều sâu, đem đến góc nhìn rộng mở về định mệnh và sự tự do. Đặc biệt nửa đầu phim được xây dựng rất tốt, thậm chí nếu kết lại ở tập 14 thì cũng có thể coi là một bộ phim tương đối trọn vẹn. Sự tăm tối của anime cũng dịu đi phần nào nhờ sự chuyển đổi tự nhiên giữa hài kịch và bi kịch, thông qua các tình tiết vui nhộn của ông thầy giáo và bộ ba bạn thân Ahiru.

Tuy nhiên đây chưa phải là một kịch bản xuất sắc. Các tập liên tiếp từ 15 – 20 trùng lặp nhau khiến nội dung trở nên công thức, dễ đoán và làm chậm nhịp độ phim. Bên cạnh đó việc giải quyết xung đột quá dễ dàng bằng ba-lê làm mất đi tính bất ngờ. Dùng một từ lóng thì đó là “thông não”, một kiểu xử lí tình huống không ai mong muốn. Dù vậy trong bối cảnh phép thuật thần tiên như Princess Tutu thì điều này có thể chấp nhận được. Ba-lê vốn là một loại hình nghệ thuật bậc cao, diễn tả cảm xúc bằng ngôn ngữ hình thể con người. Anime đã biết cách nắm bắt tính chất đó để lồng ghép khiêu vũ trong các cảnh phim một cách hài hòa. Thậm chí nó còn được dùng trong cả các cảnh chiến đấu mà không làm mất đi sự gay cấn, thay vào đó lại biến những thước phim trở nên thanh lịch, uyển chuyển và đầy xúc cảm mạnh mẽ.
Về phương diện nhân vật, thế giới siêu thực cho phép Princess Tutu có cơ hội sáng tạo những lớp nhân vật phong phú ít thấy trong anime. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng các nhân vật này rất sống động từ con người đến loài vật hay con rối. Họ giữ vai trò riêng hợp lí và hiệu quả trong cốt truyện, đặc biệt là bốn nhân vật chính. Với nội dung mang đậm màu sắc cổ tích thì ngay từ khi bắt đầu, Princess Tutu đã sẵn có kiểu tính cách nhân vật khuôn mẫu. Dễ thấy như Mytho là hoàng tử thì sẽ đẹp trai, tài giỏi, quả cảm hay Rue như một nàng công chúa xinh đẹp và kiêu kì. Tuy nhiên anime đã cố gắng giữ hình tượng nhân vật thực tế nhất có thể với những diễn biến tâm lí tự nhiên và chân thật. Những cảm xúc của họ gần gũi với đời sống và có sự thay đổi chậm rãi, từ tốn theo tình tiết phim, nổi bật là Ahiru và Fakir.

Dù vậy dàn nhân vật này chỉ dừng lại ở mức thú vị chứ chưa đặc sắc. Hai nhân vật chính khác là Mytho và Rue cũng chưa được khai thác tối đa. Rue thuộc hình mẫu có xung đột tính cách cao, nội tâm bí ẩn và hoàn cảnh nhiều khúc mắc nên dễ đi sâu, tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ từ người xem. Tiếc thay cô lên hình rời rạc trong khoảng gần kết làm cho sự thay đổi tâm lí khá chóng vánh và sự đồng cảm giảm đi phần nào. Mytho còn kém may mắn hơn vì vốn dĩ tính cách đã không nổi bật, nay lại không có sự phát triển hay đột phá nào từ đầu đến cuối câu chuyện. Cậu có sự đấu tranh nội tâm, có giằng xé, có đau đớn, có thay đổi nhưng không tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ trong cốt truyện mà ngược lại bị đưa đẩy, cuốn theo nó. Kể cả trong những tập cuối, cậu cũng chỉ trở về tính cách vốn có và nhờ sự giúp đỡ từ người khác chứ bản thân không có vai trò đáng kể.
Về mặt hình ảnh, Princess Tutu không có đồ họa phức tạp hay hào nhoáng gì, nhưng đạt chất lượng cao so với thời điểm ra đời của nó. Cảnh nền khá đơn giản, cách phối màu trầm góp phần tạo dựng không khí của anime. Tuy nhiên cảnh khiêu vũ thì được chăm chút trong chuyển động, góc quay và ánh sáng, đủ biến những màn vũ đạo trở nên đáng nhớ trong mắt người xem. Trong đó có một số chi tiết thực sự rất ấn tượng và ưa nhìn như đàn quạ nhảy múa hoặc chim thiên nga vỗ cánh. Thiết kế nhân vật tuy có đôi chút trẻ con nhưng khá sáng tạo và không thể nhầm lẫn các nhân vật với nhau, biểu cảm cũng rất sinh động tự nhiên. Đặc biệt là tạo hình của Tutu và Kraehe thực sự bắt mắt, quyến rũ, một lần xem qua sẽ rất khó quên.

Điểm đặc sắc nhất của Princess Tutu có lẽ là phần âm nhạc. Anime sở hữu một dàn soundtrack đồ sộ trên dưới 70 bài, với sự góp mặt của rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như của Tchaikovsky hay Johann Strauss II. Kể cả người không quen nghe nhạc cổ điển hay múa ba-lê thì cũng có thể nhận ra. Những bản nhạc được lồng ghép một cách hiệu quả trong các cảnh phim, đặc biệt là các trường đoạn gay cấn, âm nhạc đã đẩy cảm xúc lên một tầm cao. Bài hát mở đầu và kết thúc sở hữu những giai điệu du dương, êm ái, còn lồng tiếng ngoại trừ giọng Ahiru hơi khàn thì các nhân vật còn lại đều phù hợp.

Princess Tutu chưa phải là một anime xuất sắc, cái kết của nó cũng chưa hoàn toàn làm tôi thỏa mãn. Nhưng rõ ràng giữa một rừng anime hiện đại, nhất là trong dòng anime shoujo đang sa đà vào lối mòn với những câu chuyện tình yêu học đường hao hao nhau thì Princess Tutu là một sự lựa chọn đáng tin cậy. Bộ phim với sự thanh lịch, tinh tế và mới lạ xứng đáng có tên trong top anime hay nhất ở thể loại này.
Overall: 8
Người viết: Hazy Nguyen
*Những trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét:

ANIME REVIEW: BOKURANO

Khi đạo diễn nói rằng ông ta không thích bản manga và muốn trình diễn nó theo cách riêng, tôi đã co rúm người lại và cho rằng “lại là một sự tránh né bản manga vẫn thường diễn ra” đối với bộ anime này. Nhưng điều thú vị là chuyện ấy đã không xảy ra.
* Lưu ý: Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim, bạn nên cân nhắc trước khi đọc.
 -   Tên: Bokurano: Ours
 -   Năm phát hành: 2007
 -   Studio: Gonzo
 -   Số tập: 24
 -   Rating (Anidb) 6.72; (Myanimelist) 7.87
Trong một kỳ nghỉ hè, một nhóm 15 đứa trẻ phát hiện ra một người đàn ông bí ẩn sống trong một hang động bên bờ biển. Người đàn ông tuyên bố là một nhà phát triển game tạo ra một trò chơi với một robot khổng lồ bảo vệ Trái đất từ 15 kẻ xâm lược ngoài hành tinh. Anh ta nhờ những đứa trẻ giúp đỡ kiểm tra trò chơi này cho mình. Những đứa trẻ đều vui vẻ đồng ý, nhưng sau đó chúng mới bắt đầu phát hiện ra trò chơi này kinh hoàng như thế nào.
Bokurano là một anime 24 tập do Gonzo sản xuất (trước giai đoạn anime kém chất lượng, tôi đoán vậy) vào năm 2007 huy hoàng. Tiếc rằng thời đó định dạng HD không phổ biến nên tôi chỉ có bản DVD. Cốt truyện xoay quanh 15 đứa trẻ buộc phải trở thành người đại diện để bảo vệ Trái Đất khỏi những quái vật bí ẩn. Mỗi đứa trẻ đều sẽ có cơ hội điều khiển một con robot khổng lồ cao 500 mét. Tuy nhiên với kích thước và nguồn năng lượng khổng lồ, vượt xa công nghệ hiện đại đương thời của con người, nó sẽ lấy mạng một người cầm lái cứ mỗi khi trận chiến kết thúc. Điều này khiến bọn trẻ suy ngẫm và sắp xếp lại cuộc sống như thể chúng chờ đợi cho đến trận chiến cuối cùng của mình để hi sinh.
Rõ ràng đây không phải là một anime thường thấy. Viễn cảnh loài người dưới con mắt những đứa trẻ sắp sửa đi vào cõi chết  đầy u ám và tuyệt vọng. Công thức chính ở đây là đoán trước câu chuyện về đứa trẻ chuẩn bị giao chiến. Câu chuyện cuộc sống, những khoảnh khắc bi kịch, tuyệt vọng, thức tỉnh hay chấp nhận số phận,... đều hiện rõ mồn một trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời họ. Tình cảm bạn dành cho các nhân vật sẽ lớn dần khi chứng kiến cảnh chúng giãi bày những khó khăn và khoảnh khắc trong đời. Điều đó cũng khiến người xem nhận thức được rằng trẻ em ở đây gặp phải những vấn đề không hề nhỏ như bao bộ anime khác. Dù có sự khác nhau giữa manga và anime trong cách kể chuyện (ngoại trừ việc manga vẫn ongoing khi anime lên sóng), nhưng những vấn đề nhạy cảm, cấm kỵ đã nhào nặn nên những đứa trẻ không hề giống như ta thường thấy. Mại dâm, tình dục, giết chóc. Chúng ta ít thấy trong xã hội, nhưng đôi khi trẻ con lại vướng vào và ta thường nghĩ đó là điều không thể. Tôi thích sự không giới hạn, và anime này đi sâu vào chuyện đó. Thực tế bộ phim còn có một cảnh nữ sinh quan hệ với giáo viên – một điều không tưởng trên TV (hoặc chỉ cảnh extra trong DVD mới có.)
Về phương diện thẩm mỹ, Gonzo đã khắc họa thế giới của mangaka khá tốt. Tôi từng kể rằng mình không thích thiết kế nhân vật cho lắm trong review manga, nhưng sau cùng thì chúng trông cũng ổn trên anime. Có thể tôi bị hớp hồn bởi vai nam chính dịu dàng, tuy nhiên những đứa trẻ này trông khá phù hợp với lứa tuổi của chúng. Vì đây là 2007, tôi có lời khen về cách lựa chọn trang phục, mặc dù không phải chờ tới bản anime mới có mà phần lớn đều đã xuất hiện trong manga. Những trận chiến robot thì hoàn toàn đáng kinh ngạc. Những con quái vật rất to lớn và chính sự đồ sộ đó khiến trận chiến chậm lại, nhưng chúng sở hữu những cú ra đòn ồ ạt, sức phá hoại long trời lở đất tới những nơi nó đi qua. Nó dễ làm người ta liên tưởng đến Shadow of the Colossus, nếu đã chơi trò này rồi bạn sẽ hình dung được điều tôi nói.
Âm thanh cũng là một yếu tố lớn lao góp phần tạo nên bầu không khí. Tôi thích cách sử dụng khoảng lặng vào những cảnh phim quan trọng, đặc  biệt là trong một số trận chiến (nếu không im lặng hoàn toàn thì chỉ có những thanh âm rất nhỏ). Nhưng ở những khoảnh khắc quyết định, khi nhân vật đang giao chiến với trạng thái cảm xúc mãnh liệt thì xúc cảm đó không hề bị lấn át bởi âm nhạc mà tự nó thực sự được tỏa sáng. Tôi nghĩ những anime gần đây thường quên mất rằng âm nhạc chỉ là một yếu tố để khắc họa cảm xúc. Tuy nhiên cảm xúc trong một cảnh phim có thể bộc lộ tốt mà không cần đến âm thanh. Quá nhiều hay quá ít âm nhạc có thể là điều tồi tệ. Thêm nữa, để mang tầm vóc lớn lao vào trong những trận đánh, âm thanh được sử dụng khi giao chiến hay hiệu ứng đều rất hoành tráng. Một điều đặc biệt là, trước khi bắt đầu trận đấu thường có những tiếng động lớn quyện với sự tĩnh lặng trong không khí - giống như lời báo trước cho một trận chiến không khoan nhượng. Tôi không quá kỹ tính trong âm thanh, nhưng tôi chắc rằng tai mình cảm nhận được những gì anime muốn gửi gắm.
Tôi đã từng viết review về manga, sự khác nhau giữa 2 phiên bản là đáng chú ý. Tuy nhiên cách kể chuyện vẫn giữ được phong thái và sự đau thương mà tác giả mong muốn. Anime đã chuyển tải thành công những câu chuyện bi kịch. Lớp nhân vật đầu tiên đi theo cốt truyện manga và sau đó tự tách riêng mạch truyện. Lấy ví dụ, một nhân vật rạch cổ bạn mình vì người này từ chối tham chiến, còn đối với anime cậu ta lại chết do bị xô ngã xuống cầu thang bất tỉnh và tòa nhà đổ sập vào. Trong cảnh khác, một nữ sinh tình nguyện quan hệ với giáo viên của mình, nhưng ở manga cô bị hăm dọa còn người giáo viên bị đâm chết bởi một người lái robot khác. Kết cục trong manga được phát triển theo hướng riêng, còn anime cũng đi theo hơi hướng đó nhưng có sự thay đổi về tình tiết. Sau cùng, chính phủ trong anime kém cỏi hơn manga, khi mà họ thường bị che mắt bởi sự tham lam và tò mò, chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ tới cốt truyện. Tôi nghĩ đó là sự cân bằng để ăn nhịp với yếu tố bạo lực trong câu chuyện của lũ trẻ. Tóm lại, dù có những điểm khác nhau nhưng cả manga và anime đều mang những hương vị riêng, đều đi sâu vào nỗi tuyệt vọng và bi kịch nhân loại.
Nói chung, cả hai bản có những câu chuyện của riêng mình. Tôi tận hưởng cả hai, và điều thú vị là có hai cốt truyện khác biệt cùng dựa trên một phông nền. Đây là ví dụ hay về việc không cần phải sao chép y nguyên manga để làm nên một anime tốt. Nếu bạn đủ khả năng và biết được giới hạn của tác phẩm, bạn có thể cải biên kha khá nguyên tác để có được một chuyển thể tương đương hoặc tốt hơn.
Người dịch: Hanoian
Nguồn: deremoe.com
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com/

0 nhận xét:

ANIME REVIEW: VICTORIAN ROMANCE EMMA

Câu chuyện lấy bối cảnh thời Victoria của nước anh vào thế kỷ 19. Emma, một cô bé mồ côi được bà Stowner, một gia sư nghỉ hưu nuôi dưỡng. Cô đã gặp gỡ William Jones, con trai cả của một gia đình giàu có. Tình cảm giữa hai người bắt đầu nảy nở. Cùng lúc, họ cũng phải vượt qua những khó khăn mà định kiến xã hội đã dành cho họ.

 -   Tên: Emma: A Victorian romance ( Eikoku Koi Monogatari Emma)
 -   Năm phát hành: 2005
 -   Studio: Pierrot
 -   Số tập: 12
 -   Rating (Anidb) 7.77 ; (Myanimelist) 7.85
Điểm nhấn:
 -   Không khí: Trang trọng và thanh lịch.
 -   Hoàng tử Hakim: kẻ hút hồn trong các cảnh phim.
 -   Bối cảnh: Cực kì chi tiết và được nghiên cứu kĩ lưỡng.
 -   Production values: Rất cao, đồ họa và animation đặc biệt chi tiết.
 -   Âm nhạc: Phù hợp hoàn hảo với bối cảnh và tâm trạng.
Ngay từ đầu, dễ thấy "Victorian Romance Emma" là bộ phim thuộc một nhánh của thể loại lãng mạn. Trầm lặng và trang nghiêm là bầu không khí chủ đạo bao trùm lên toàn bộ phim (điều mà trước giờ chúng ta thường trông đợi ở một tác phẩm lấy bối cảnh thời phong kiến nước Anh), mang tới ánh hào quang của sự tinh tế làm say đắm lòng người. Trong khi những tác phẩm khác thường có chiều hướng nhồi nhét mối quan hệ của các nhân vật vào đầu người xem thì những nhân vật ở đây đều xử sự một cách tự nhiên. Nhờ vậy, khi hợp nhất cái hồn của bộ phim cùng với tiểu tiết, cốt truyện và bối cảnh được thể hiện rất chân thực, không bị gò bó và gần gũi với cuộc sống.
Mô-típ nhà quý tộc yêu một thường dân không phải là mới, tuy nhiên tác giả đã lựa chọn bối cảnh lúc mà những định kiến giai cấp cứng nhắc trong xã hội đang dần được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho một mối tình lãng mạn như William và Emma nảy nở. Đó là bức phông nền giúp cho việc giải quyết xung đột giữa các thế hệ tăng thêm phần kịch tính. Hơn thế, tác phẩm đã khắc họa một cách xuất sắc điểm nhìn của các nhân vật chính, cho khán giả thấy rõ xuất phát điểm của họ, nhờ đó nhận được sự cảm thông sâu sắc từ người xem.
Sự tài giỏi, lịch thiệp nhưng cũng rất ương ngạnh của William Jones biến anh trở thành nhân vật nam chính xuất sắc, cùng với đó là những hành động quyết đoán xứng đáng được tán dương. Emma thì hấp dẫn vì với những gì đã thể hiện, bạn sẽ hiểu tình yêu của cô dành cho William phải kiềm chế như thế nào trước những điều tiếng xã hội, đồng thời cảm thấy thú vị khi chứng kiến cô gái nỗ lực dung hòa hai trái tim. Eleanor Campbell, người thứ ba, thì đáng thương bởi tình cảm chân thành cô dành cho William không được đáp trả, nhưng cô vẫn hướng trái tim mình về anh. Kể cả Richard Jones, cha của William và là nhân vật phản diện chính của anime cũng đáng được cảm thông. Ông chỉ là người của thế hệ cũ, một người cố gắng nâng vị thế của gia tộc trong xã hội và không muốn thành quả của mình bị phá hỏng vì những hành động bồng bột của cậu con trai.
Hoàng tử Hakim thì xứng đáng được đặc biệt nhắc tới bởi cá tính táo bạo và phóng túng của mình, đối ngược hoàn toàn với sự dè dặt và thận trọng của William. Hakim còn sở hữu tầm nhìn xa trông rộng và những lời phê bình sâu sắc, khiến cho William phải chú tâm trong cuộc đua giành trái tim nàng Emma thay vì tìm cách lảng tránh vấn đề của mình. Bản tính ranh mãnh của Hakim khiến khán giả yêu mến anh, làm mọi cảnh phim anh xuất hiện lại đầy ngẫu hứng và đặc biệt khôn ngoan.
Cuối cùng, Victorian romance Emma đã thể hiện xuất sắc công việc của mình khi đưa khán giả trở về khung cảnh nước Anh thời Victoria, thông qua việc chú trọng mô tả chi tiết cách sống của người dân lúc bấy giờ. Những tiểu tiết vụn vặt trong cuộc sống như cách cô hầu vuốt phẳng một tờ báo, thao tác với lá trà hay quét nhà ra sao, đều khiến cho bộ phim trở nên rất đáng thưởng thức bởi nó gần gũi với đời sống.
Victorian romance Emma càng trở nên đặc biệt khi nắm bắt được tính chất tĩnh lặng của anime, điều mà không nhiều bộ phim có thể làm được. Sự chỉn chu, tin cậy trong cốt truyện cộng hưởng với sự trau chuốt về tiểu tiết và nhân vật đã đưa bộ phim đi xa. Trong khi cái kết vẫn còn đang để ngỏ, khán giả vẫn đủ hài lòng về một cái gì đó vừa bùi vừa đắng, và có thể hy vọng về một mùa tiếp theo.
Người dịch: Hanoian
Nguồn: Nihonreview
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com/

0 nhận xét:

TOP 10 ANIME THỂ THAO HAY NHẤT

Không nổi tiếng như anime chiến đấu như One piece, Naruto, Bleach…nhưng anime thể thao cũng là một thể loại được ưa chuộng và cho ra đời nhiều cái tên giá trị. Đặc biệt trong những năm gần đây, thể loại này đã đạt được sự đột phá trong mức độ phổ biến và lượng người hâm mộ. Dễ thấy rằng những loại hình thể thao thịnh hành ở Nhật Bản như bóng chày, bóng đá, bóng rổ…thường xuất hiện nhiều trong manga/anime. Bên cạnh đó, dù tần suất xuất hiện ít hơn nhưng được quan tâm không kém là những môn bơi lội, đua xe, bóng chuyền, bóng bàn, tennis, cờ vây, bầu dục…Sau đây là những anime đáng xem nhất ở chủ đề này.

Hajime no Ippo

Sẽ là một sự xấu hổ nếu một fan hâm mộ anime thể thao lại không biết đến bộ phim này. Cho đến nay Hajime no Ippo luôn giữ được vị trí độc tôn trong những anime lấy đề tài về boxing. Nhân vật chính của phim là Ippo Makunouchi, một cậu học sinh hiền lành, nhút nhát và không có bạn bè. Một ngày nọ, cậu được một võ sĩ quyền anh là Takamura giải cứu khi bị những học sinh cùng trường bắt nạt. Nhờ đó cậu biết đến môn thể thao boxing và đặt những bước chân đầu tiên vào con đường trở thành võ sĩ chuyên nghiệp. Nếu những gì bạn nghĩ về boxing là những cú đấm điên cuồng và bạo lực thì Hajime no Ippo sẽ làm bạn thay đổi. Anime dạy chúng ta về niềm vui và khát vọng chiến thắng trong thể thao, về tầm quan trọng của một tinh thần thép và sự kiên trì.

Major

Nếu bạn là người lần đầu tiên tìm đến anime thể thao, hãy xem Major. Với manga từng nhận được giải thưởng danh giá Shogakukan manga cho truyện tranh shonen hay nhất, không có gì đáng ngạc nhiên khi Major thu hút được một lượng fan khổng lồ và đạt được nhiều thành công như vậy. Nội dung phim theo chân cậu bé Goro Honda từ khi còn học mẫu giáo cho đến lúc trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Cậu không ngừng tìm kiếm và nỗ lực mạnh mẽ, vượt qua bao chướng ngại để thực hiện ước mơ của mình. Major có một sự cân bằng tuyệt vời giữa một câu chuyện thực tế bi kịch với sự phát triển nhân vật vô cùng mạnh mẽ và sâu sắc, đồng thời chia sẻ những bài học đắt giá trong thể thao. Bộ phim đã trải qua 6 mùa và chưa bao giờ hết sức hấp dẫn đối với người xem.

Chihayafuru

Karuta là một bộ môn còn lạ lẫm đối với hầu hết người xem ngoài Nhật Bản, nhưng với Chihayafuru, bạn sẽ khám phá thấy nó thú vị không hề kém cạnh bất kì loại hình thể thao nào. Nội dung phim xoay quanh cô nữ sinh xinh đẹp Chihaya đam mê môn thẻ bài nhờ người bạn thuở nhỏ Arata. Cô cùng cậu bạn thân Taichi thành lập CLB bài Karuta với ước mơ trở thành người chơi nữ giỏi nhất Nhật Bản. Đây là một anime rất hài hòa và cân đối, chuyển thể một cách xuất sắc những phẩm chất tinh túy nhất của manga. Bộ phim đem đến những trận đấu kịch tính đến từng giây, nhưng cũng không thiếu những thước phim nhẹ nhàng, lãng mạn. Từ nội dung, đồ họa, nhân vật cho đến âm nhạc đều tuyệt vời, Chihayafuru có những gì cần có để trở thành một phần của top 10 này.

Ping pong: The animation

Ping Pong là một trong những anime nổi bật nhất trong năm qua. Nội dung phim xoay quanh hai người bạn thân từ thuở nhỏ biệt danh là Smile và Peco. Họ đều là thành viên tài năng của CLB bóng bàn trường Katase. Tuy nhiên một ngày nọ Peco bị thất bại nặng nề trước một tuyển thủ người Trung Quốc và suy sụp từ đó. Ping Pong không có phần đồ họa tuyệt vời hay các nhân vật đẹp lung linh. Nhưng bù lại những thiếu sót đó, bộ phim được đạo diễn một cách sáng tạo và hiệu quả, đem đến những cảnh phim mang phong cách rất khó quên. Anime còn sở hữu một dàn nhân vật cá tính, được phát triển mạnh mẽ suốt chiều dài phim, cùng với đó là rất nhiều cảnh hành động ở cường độ cao, những trận đấu bóng bàn nảy lửa mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Big windup!

Một pitcher nhút nhát nhưng có khả năng ném bóng vô cùng chính xác và linh hoạt. Điều cậu cần nhất bây giờ là sự tự tin vào bản thân mình. Đó là câu chuyện của nhân vật chính Ren Mihashi. Trong khi muốn từ bỏ bóng chày vì tự ti với những thất bại của mình, Mihashi bị lôi kéo vào đội bóng ở ngôi trường mới. Nhờ sự hỗ trợ và quan tâm của đồng đội, cậu dần trưởng thành hơn trong kĩ thuật và tâm lí thi đấu. Giữa rất nhiều anime cùng đề tài bóng chày khác, Big windup vẫn tỏa sáng nhờ một cốt truyện nghiêm túc, mang tính thực tiễn cao và mạch phim đồng đều vững chắc. Bạn sẽ không tìm đâu ra những kĩ năng thần thánh, các chiêu thức bị phóng đại hay chỉ cần niềm tin có thể chiến thắng tất cả. Big windup trọn vẹn bởi chính sự đơn giản, gần gũi của nó.

Hikaru no go

Phát hành lần đầu tiên trên Weekly Shounen Jump năm 1998, manga Hikaru no go đã đạt được những thành công chưa từng có. Ba năm sau, anime lên sóng truyền hình góp phần đem môn cờ vây đến với nhiều nơi trên thế giới. Câu chuyện kể về cậu bé Hikaru Shindou có một cuộc gặp gỡ định mệnh với kì thủ đến từ thời đại Heian tên là Fujiwara no Sai. Cậu được Sai truyền niềm cảm hứng say mê với cờ vây và từng bước đến gần với đối thủ lớn nhất trong đời mình – Akira Touya. Anime có một khởi đầu vô cùng xuất sắc, sự phát triển từ tốn cho đến cuối và nhân vật được khai thác chi tiết. Dù bạn không hề có kiến thức gì về cờ vây cũng không quan trọng. Với 75 tập phim, Hikaru no go sẽ lôi cuốn và khiến bạn bận rộn trong một thời gian dài.

One outs

One outs là một cách tiếp cận với thế giới bóng chày hoàn toàn mới lạ và thú vị, loại bỏ những công thức anime thể thao thường thấy. Câu chuyện bắt đầu với ngôi sao bóng chày Hiromichi Kojima đang bế tắc trước cho mùa giải mới. Trong khóa tập huấn, đồng đội của anh tình cờ phát hiện ra một pitcher kì lạ và bị cuốn vào những trò cá cược của hắn ta. Đó là Toua Tokuchi, người không có kĩ năng ném bóng đặc biệt nhưng lại dễ dàng đánh bại được các cầu thủ chuyên nghiệp như Hiromichi. One outs tựa như Death note của môn bóng chày, nơi các trận bóng được giải quyết bởi các chiến thuật tâm lí và trí tuệ. Anime liên tục đặt người xem vào những tình huống li kì, hồi hộp, không thể rời khỏi màn hình. Hãy thử xem One outs, bạn chắc chắn sẽ không phải hối tiếc.

Kaleido star

Có lẽ đây là anime duy nhất đến thời điểm này lấy đề tài về môn thể dục dụng cụ. Chỉ riêng chủ đề hiếm gặp như vậy cũng đủ khiến người xem bị hấp dẫn ngay từ phút bắt đầu. Nội dung phim kể về cô gái trẻ người Nhật Sora Naegino đến Hoa Kì để tham gia tuyển chọn cho Stage Kaleido. Đây là rạp xiếc nổi tiếng nhất thế giới mà cô đã bị mê hoặc từ khi còn nhỏ. Anime không có một nội dung mới lạ hay tầm cỡ, thay vào đó là cách dẫn dắt rất khéo léo, uyển chuyển và dàn nhân vật được khai thác tốt từ chính đến phụ. Kaleido star tìm được tiếng nói riêng nhờ những màn biểu diễn xiếc tuyệt đẹp và hồi hộp đến nghẹt thở. Anime còn có sức khuấy động mạnh mẽ cảm xúc của người xem và đem đến bài học giá trị về hành trình chạm tới ước mơ.

Ashita no Joe

Đây là một bộ phim mang phong cách kinh điển, được xem là tác phẩm tiên phong có ảnh hưởng lớn nhất đến các dòng anime thể thao hiện đại. Tên của bộ phim cũng là tên nhân vật chính, Joe Yabuki, một chàng trai mồ côi tình cờ được nhận làm học trò của Tange Danpei, một võ sĩ quyền anh hết thời. Mặc dù cũ kĩ, nhưng Ashita no Joe vẫn khẳng định mình là một trong những anime về boxing hay nhất. Điều khác biệt của bộ môn này là không phải thể thao đồng đội, điều đó cho phép anime có cơ hội đi sâu vào tâm lí của từng cá nhân nhân vật. Ashita no Joe đã tận dụng lợi thế đó để khai thác và phát triển nhân vật một cách vượt trội. Bộ phim nhấn mạnh một câu chuyện gai góc về cuộc đời thực và sở hữu những trận đấu mang tính cạnh tranh mạnh mẽ bậc nhất trong anime.

Cross game

Tác giả Mitsuru Adachi nổi tiếng với những tác phẩm chân thành, nhẹ nhàng, kết hợp hài hòa giữa hài lãng mạng và thể thao như Touch, H2, Slow step, Cross game…Trong số đó, Cross game là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của ông. Câu chuyện kể về cậu bé Kou Kitamura và bốn chị em gái nhà Tsykishima. Cậu thân nhất với Wakaba tuy nhiên Wakaba mất đi trong một tai nạn đáng tiếc. Em gái cô Aoba cùng với Kou cố gắng thực hiện ước mơ của chị mình, đó là được chơi trong giải bóng chày trung học ở SVĐ Koshien. Cross game không có nhiều cảnh phim hành động gay cấn, cao trào, hay các trận đấu máu lửa như những anime thể thao khác. Bộ phim êm dịu và sâu lắng trong những khung cảnh đời thường, khắc họa vẻ đẹp của cuộc sống đằng sau bộ môn bóng chày.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com/

0 nhận xét:

TOP 10 NHÂN VẬT NAM ĐẶC SẮC NHẤT TRONG ANIME

Ai là nhân vật xuất sắc nhất từng được xây dựng trong lịch sử anime? Đó là câu hỏi làm dấy lên nhiều sự tò mò và các cuộc tranh luận trên khắp các diễn đàn. Nếu bạn đang tìm kiếm những cái tên như Naruto, Ichigo, Luffy… trong top này thì bạn sẽ thất vọng. Không ai có thể phủ nhận mức độ phổ biến và những đóng góp to lớn của họ cho ngành công nghiệp anime. Tuy nhiên sự nổi tiếng không tạo ra một nhân vật đặc sắc mà từ cách xây dựng, thiết kế, tạo hình… Những nhân vật được giới thiệu trong danh sách này đều sở hữu những cá tính độc đáo, có đời sống tinh thần phong phú và thực sự là công trình nghệ thuật có một không hai trong anime từ trước đến nay. Hãy cùng TopTenHazy giải mã sức hút bí ẩn của họ.

10. Lelouch Lamperouge (Code Geass)

Nam chính hoàn hảo của một bộ phim nổi tiếng, Lelouch Lamperouge là một trong những nhân vật được yêu thích nhất những năm gần đây. Thông minh, thủ đoạn, có tài lãnh đạo và mơ ước cao đẹp, không thiếu những nhân vật anime sở hữu những đặc điểm này. Vậy điều gì làm nên sự đặc biệt của Lelouch? Đó là một con người của sự mâu thuẫn. Cậu mạnh mẽ, quyết đoán mà vẫn có lúc mềm lòng, cô độc, không thể tin tưởng một ai. Cậu tài giỏi, bản lĩnh nhưng không thiếu những sai lầm khiến mình luôn dằn vặt. Cậu có mong muốn lớn lao song phương cách lại tàn nhẫn, đi ngược lại với chính lí tưởng của mình. Lelouch vừa là một kẻ độc tài gây ra bao đau khổ cho nhân loại, vừa là người hùng thầm lặng hi sinh vì sự nghiệp chung.

9. Vash the stampede (Trigun)

Nhiều người thừa nhận rằng họ đã xem Trigun vì nhìn thấy nhân vật này. Thiết kế tạo hình của Vash đặc biệt ấn tượng và trở thành một trong những thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp của Yasuhiro Nightow. Trong anime, Vash là tên tội phạm nguy hiểm nhất hành tinh với số tiền thưởng truy nã khổng lồ. Mặc dù bề ngoài trông có vẻ ngốc nghếch, trẻ con nhưng anh ẩn chứa đời sống nội tâm sâu sắc. Sở hữu khả năng chiến đấu phi thường nhưng lại giàu lòng nhân ái, là một tay súng khiến mọi người khiếp sợ nhưng cũng là người hộ mệnh bảo vệ cuộc sống của người dân. Vash luôn trung thành với lí tưởng sống của mình, đồng thời không ngừng giằng xé, mâu thuẫn vì lí tưởng đó. Tất cả đã làm nên sự độc đáo của nhân vật này.

8. Eikichi Onizuka (Great teacher Onizuka)

Một giáo viên không tốt nghiệp đại học loại ưu nhưng lại đem đến những bài học cuộc sống giá trị hơn bất cứ ai. Một tên gangster lưu manh, bạo lực, ăn nói thô lỗ nhưng trong thâm tâm lại rất nghĩa tình, tốt bụng và đầy triết lí sống. Đó là Eikichi Onizuka. Không ai có thể phủ nhận cá tính thú vị có một không hai của nhân vật này. Anh ta quyết định trở thành giáo viên để có vợ trẻ đẹp hay giúp đỡ học sinh bằng những cách vô cùng quái chiêu như phá nhà, đánh nhau, bắt cóc… Onizuka đã phá vỡ những tiêu chuẩn và quan niệm của chúng ta về nghề nghiệp dạy học, đồng thời là nhân tố cốt lõi biến Great teacher Onizuka trở thành một tác phẩm cực kì vui nhộn, đáng nhớ và không kém phần nhân văn.

7. Edward Elric (Fullmetal alchemist/Brotherhood)

Là nhân vật thuộc kiểu mẫu anh hùng truyền thống, nhưng Edward có những phẩm chất không một anh hùng nào có và được xem như đại diện tiêu biểu nhất cho thế hệ shonen anime hiện đại. Cậu không hành động vì lợi ích của mọi người, không có lí tưởng cứu nhân loại, không có sức mạnh khủng khiếp hay được sinh ra để tiêu diệt kẻ ác. Edward được xây dựng với những đặc điểm rất “người” từ thiếu sót về ngoại hình cho đến sự gần gũi trong tính cách: vừa bốc đồng, nóng nảy và trẻ con, vừa thông minh, tính toán mà kiêu ngạo. Eward thực sự là một cá tính đa chiều, có khi khiến người ta cười ngặt nghẽo trong những thước phim hài hước, có khi lại ở trong những hoàn cảnh sâu thẳm nỗi buồn hay phát hiện ra sự thật khắc nghiệt của thế giới.

6. Arsene Lupin III (Lupin the third)

Lupin và những người bạn đồng hành của mình từ lâu đã trở thành một biểu tượng truyền hình, nắm giữ những vị trí vững chắc trong lòng người hâm mộ anime trong suốt hàng thập kỉ qua. Hình ảnh của Lupin trở nên quen thuộc và gắn bó với những màn trộm cắp đầy li kì và vui nhộn. Anh có thể ví như một Robin Hood hiện đại, chuyên gia ăn cắp những đồ vật giá trị, thách thức mọi sự truy đuổi nhưng lại hào hiệp và tốt bụng, thường giúp đỡ những người gặp bất công trong cuộc sống. Tuy nhiên Lupin không phải là Robin Hood, anh ta khôn ngoan, lém lỉnh và hám gái, mặt khác rất phóng khoáng, phong cách và sành điệu. Đây chính là nhân vật tiên phong thay đổi bộ mặt anime những năm 70 theo một hình ảnh trưởng thành và cuốn hút hơn.

5. Light Yagami (Death note)

Hẳn sẽ có không ít người tự hỏi tại sao Light có mặt trong top này mà không có L mặc dù cùng tác phẩm. Có thể L nổi tiếng và được yêu thích hơn, song xét về xây dựng nhân vật thì Light xuất sắc hơn. Đây là nhân vật phản diện đặc biệt thành công và trở thành hình tượng kinh điển trong lịch sử anime. Những gì người ta thường ấn tượng về Light là cá tính lạnh lùng, thủ đoạn và nhất là bộ óc cực kì thông minh. Tuy nhiên điểm đặc sắc nhất của nhân vật này là sự phức tạp, đa diện, biến hóa khôn lường trong tính cách. Những người làm phim đã tái hiện một cách xuất sắc hình ảnh của một thiên tài xuất chúng cho đến một kẻ giết người tàn nhẫn và xảo quyệt. Light có thể đáng ghét, nhưng chắc chắn là nhân vật không thể thiếu của Death note.

4. Johan Liebert (Monster)

Bất cứ ai đã từng xem Monster không thể không ấn tượng với Johan Liebert. Johan không hề có sức mạnh thể chất hay năng lực đặc biệt nào khủng khiếp như các nhân vật phản diện thường thấy trong anime. Tuy nhiên điểm đã đưa hắn đến một đẳng cấp khác biệt, vượt xa những nhân vật phản diện khác đó chính là bộ óc thiên tài vô cùng đáng sợ. Nếu Johan chỉ biết giết người thì không thiếu kẻ ác đã làm điều đó. Sự ghê sợ ở Johan là biến những người vô tội thành con quái vật giống như mình. Hắn nhìn thấu vào tâm can của mỗi người và chỉ bằng lời nói có thể sai khiến họ giết chóc. Thế nhưng ẩn sau con quái vật ấy chỉ là một tâm hồn luôn mong chờ được cứu rỗi, không ngừng bị giằng xé bởi quá khứ và tội ác.

3. Shinji Ikari (Neon genesis evangelion)

Hình ảnh người hùng thường thấy trong anime là những con người mạnh mẽ, tự tin, có sức mạnh và niềm tin mãnh liệt để bảo vệ công lí. Tuy nhiên Shinji đi ngược hoàn toàn với khuôn mẫu đó, cậu nhỏ bé, tự ti, luôn bị động và ở trong những trạng thái tinh thần khủng hoảng. Nhưng chính điều đó làm cậu trở nên đặc biệt. Không một nhân vật nào trong Neon genesis evangelion thể hiện được thế giới nội tâm và cái tôi của đạo diễn Hideaki Anno trung thực và xuất sắc hơn Shinji. Cậu là bức tranh phản ánh những xúc cảm rất “người” từ sự cô đơn, nỗi sợ hãi trước cái chết, luôn loay hoay kiếm tìm mục đích sống của bản thân cho đến sự đấu tranh tâm lí, khao khát khẳng định mình. Shinji gần với chúng ta hơn cả và chân thật hơn bất cứ nhân vật nào.

2. Himura Kenshin (Rurouni Kenshin)

Kenshin là một hình mẫu điển hình của những sát thủ lạnh lùng nhưng mang bản chất yêu chuộng hòa bình, hối hận về những gì mình đã làm và thề sẽ không bao giờ giết hại bất cứ ai nữa. Anh rong ruổi khắp Nhật bản để tìm sự bình yên và chuộc lỗi cho quá khứ nhưng những bóng ma quá khứ không ngừng đeo đẳng. Một Kenshin bề ngoài nhỏ bé, dịu dàng và có phần vụng về nhưng bên trong là một tấn bi kịch. Nội tâm luôn mâu thuẫn, đôi vai mang gánh nặng, thanh kiếm vung lên miễn cưỡng, Kenshin luôn giữ nỗi đau cho riêng mình, cô độc và cam chịu. Tác phẩm đã xây dựng thế giới cảm xúc và tâm lí của Kenshin rất xuất sắc, khiến anh trở thành một nhân vật đáng nhớ, dễ dàng nhận được sự đồng cảm và yêu mến của mọi người xem.

1. Spike Spiegel (Cowboy bebop)

Nhìn vào Spike, người ta thấy một kẻ móc túi ranh mãnh như Lupin III, một tay súng bất cần như những anh chàng cao bồi, một cá tính bí ẩn mang dáng dấp của các nhân vật phim noir, hay một phong cách tưng tửng, phớt đời của những kẻ lang thang. Nếu như Cowboy Bebop là sự pha trộn của nền văn hóa thế kỉ 20 thì Spike là sự pha trộn của những phẩm chất cá biệt nhất của các nhân vật từng được gây dựng. Nhưng đó chỉ là một phần thú vị của nhân vật này. Điều thực sự đã làm Spike trở nên đặc sắc và gây tác động mạnh mẽ tới người xem là nội tâm, quá khứ và những mối quan hệ xoay quanh anh ta. Bộ phim đã xây dựng hình ảnh Spike từ cá tính, phong thái, thói quen, cách ăn nói đi lại cho đến cảm xúc, tâm trạng… không thể xuất sắc hơn. Spike không chỉ là một nhân vật anime mà thực sự là một công trình sáng tạo nghệ thuật, là linh hồn đưa Cowboy Bebop lên tầm kiệt tác.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com/

0 nhận xét:

TOP 20 ANIME OPENING ĐẶC SẮC NHẤT

Opening là một đoạn video ngắn 1-2 phút mở đầu mỗi tập phim của một anime. Nó thường được dùng để giới thiệu bộ phim, tiết lộ dàn nhân vật hoặc một phần nội dung phim, và trên hết là gợi cảm hứng cho người xem. Có những anime khiến bạn luôn muốn tua đi 1 phút này, nhưng cũng có những opening có thể xem như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, được đầu tư sáng tạo và có sự hài hòa tuyệt vời giữa âm nhạc và hình ảnh. Những opening giới thiệu sau đây được đánh giá cao bởi âm nhạc cuốn hút, phong cách độc đáo khác biệt với những “tiêu chuẩn” mở cảnh thông thường (đàn chim bay, nhân vật chạy qua chạy lại, hoa anh đào nở rộ…). Và quan trọng nhất, nó thể hiện rõ tinh thần và phong cách của anime, đồng thời mang ý nghĩa ẩn dụ và biểu tượng cao. Mời các bạn cùng thưởng thức.

Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com/

0 nhận xét: