TOP 10 ANIME HAY NHẤT VỀ OTAKU

Khi xem anime thì hẳn các bạn cũng từng nghe tới các thuật ngữ Otaku, hikikomori và NEET. Chúng có nghĩa là gì? Otaku là từ dùng để chỉ những người yêu thích, hâm mộ anime và manga nói chung. Hikikomori là những người cô lập với xã hội, không ra ngoài hơn nửa năm. Còn NEET chỉ chung những ai không có việc làm và phải nhận chu cấp từ gia đình. Tất cả họ đều được xem là khác người, bất thường trong hành vi so với tiêu chuẩn xã hội Nhật Bản. Định nghĩa của các từ này bạn có thể tìm hiểu cụ thể hơn qua các phương tiện truyền thông. Còn bài viết sau đây chỉ giới thiệu đến bạn đọc những anime khai thác chủ đề này hay nhất.

10. Watamote

Một con hàng độc đáo của năm 2013, Watamote là anime điển hình về cuộc sống của otaku. Nhân vật chính trong phim là Tomoko Kuroki, một game thủ đầy kinh nghiệm trong thế giới otome game. Cô tự tin bước vào cấp III với mơ mộng sẽ trở nên nổi tiếng nhờ kiến thức dạn dày học được qua các trò chơi. Tuy nhiên cuộc đời không dễ dàng như thế. Tomoko đã phải trải qua bao tình huống oái ăm vì tính cách khác người và ảo tưởng sức mạnh của mình. Theo dõi hành trình Tomoko cố gắng cải thiện tình trạng dở khóc dở cười này không ngừng làm người xem cảm thấy thú vị. Không có những nhân vật lung linh hay đồ họa ấn tượng, nhưng sự đơn giản mà hài hước của Watamote sẽ đem lại cho bạn những phút giây giải trí tuyệt vời.

9. Lucky Star

Chơi game thâu đêm, tán gẫu với bạn bè, chuyên gia chép bài tập về nhà, than phiền về trận bóng chày làm gián đoạn lịch chiếu anime, đóng Haruhi ở một quán maid làm thêm… một số điều kể trên đã góp phần phác họa nên lối sống đậm chất Otaku của nhân vật chính Izumi Konata trong Lucky Star. Với bộ phim này, khả năng biến hóa moe của KyoAni lại được nâng lên một tầm cao mới. Những nhân vật siêu dễ thương với muôn vàn biểu cảm sẽ giữ chân bạn từ đầu đến cuối. Thêm vào đó, thú vị không kém là nội dung slice of life vui vẻ, những tình tiết gây cười hóm hỉnh pha chút châm biếm văn hóa Otaku của xứ sở hoa anh đào. Lucky Star là một món ăn tuyệt vời cho những ai kén chọn anime phù hợp với mình.

8. I can’t understand what my husband is saying

Anime này một lần nữa chứng tỏ rằng Otaku là một đề tài khá được ưa chuộng cho những bộ phim hài. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của một đôi vợ chồng khá đặc biệt. Chị là Kaoru, một nữ nhân viên văn phòng siêng năng, chăm chỉ; còn anh là Hajime, một otaku suốt ngày đắm chìm trong thế giới ảo. Tiêu đề anime đã nói lên tất cả “Tôi không thể hiểu chồng mình đang nói gì”, bộ phim vẽ nên bức tranh cuộc sống hoàn toàn trái dấu giữa hai con người khác biệt nhau. Thế nhưng tình yêu và sự hi sinh vẫn là sợi dây gắn bó giữa họ, giúp họ cố gắng thấu hiểu và chung sống với nhau. Chỉ 3 phút mỗi tập phim, nhưng giá trị giải trí cao của I can’t understand what my husband is saying chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.

7. Rozen maiden

Từ rất lâu, có một người đàn ông làm nghề chế tạo búp bê tên là Rozen. Ông đã làm nên 7 con búp bê có hành động suy nghĩ như con người. Thế nhưng một ngày nọ Rozen đột ngột biến mất. Để gặp lại “Cha”, những cô búp bê phải chiến đấu chống lại nhau hàng thế kỉ để trở thành Alice - cô gái cao quý nhất, hoàn thiện nhất. Rozen maiden bắt đầu như một câu chuyện cổ tích, nhưng toàn bộ anime lại được phủ lên một tông màu buồn có phần tăm tối. Nội dung như vậy thì có gì liên quan đến chủ đề mà top này đề cập? Đó là nhân vật chính Jun là một cậu bé sống xa lánh với xã hội. Rozen maiden không chỉ là cuộc chiến của những cô gái búp bê, mà còn là hành trình của Jun đi tìm lại con người ngày xưa của mình.

6. No game no life

Ra mắt năm 2014, No game no life đã gom về thành công vang dội cho Madhouse, khẳng định được vị thế của mình trong làng anime. Câu chuyện kể về hai anh em game thủ huyền thoại Shiro và Sora khuấy đảo thế giới mạng dưới nick “Black”. Tuy nhiên sự thật ngoài đời họ là NEET, không đến trường và chán ghét cuộc sống thực tại. Tất cả bắt đầu khi Shiro và Sora được mời đến sống ở một nơi mà tất cả mọi thứ đều được quyết định bằng trò chơi. No game no life là anime ecchi, comedy được thể hiện một cách sáng tạo và đầy sức sống. Một thế giới phép thuật kì diệu, những màn đấu trí kịch tính, các khoảnh khắc fanservice nóng bỏng… No game no life có đủ mọi thứ để xứng đáng với tiếng tăm của nó.

5. Kuragehime

Đến từ Brain’s base, một hãng khá chắc tay trong việc chuyển thể các con hàng từ manga, light novel… Kuragehime có thể làm bạn yên tâm về chất lượng của nó. Nhân vật chính trong phim là Tsukimi khăn gói lên Tokyo mang theo ước mơ trở thành họa sĩ. Cô đến trọ tại khu chung cư Amamizukan vốn không cho phép đàn ông bước vào. Cuộc đời bình lặng của các otaku sống ở đây bỗng chốc thay đổi khi Tsukimi cho một cô gái xinh đẹp ở nhờ một đêm, mà không biết rằng đó là cậu ấm của một gia đình bề thế. Dựa trên manga cùng tên của Higashimura Akiko, anime mang đến cho người xem một câu chuyện đầy màu sắc. Dễ thương, ngọt ngào và vui nhộn là lời tổng kết tốt nhất cho bộ phim này.

4. Himouto! Umaru-chan

Với sở trường chuyên về comedy thì Dogakobo một lần nữa không làm các fan thất vọng với anime Himouto! Umaru-chan. Bộ phim kể về Umaru, một hình mẫu nữ sinh lí tưởng, hoàn hảo từ ngoại hình, học tập cho đến tính cách. Ấy thế mà hễ trở về nhà thì cô lột xác trở thành một người hoàn toàn khác. Sự nổi tiếng của anime này chắc không cần phải đề cập đến, bởi hình ảnh cô em gái dễ thương Umaru từng làm bừng sáng khắp các trang mạng anime mùa Summer 2015. Tuy nhiên Himouto! Umaru-chan không phải tác phẩm chuyên sâu về otaku, mà từ đó phác họa nên một bức tranh tình cảm gia đình vui vẻ trong sáng. Sự gần gũi và ấm áp của nó dễ dàng đánh cắp trái tim của bất cứ ai.

3. Otaku no Video

Đây có thể nói là anime mẫu mực nhất nếu bạn muốn tìm hiểu về các khía cạnh của văn hóa Otaku. Chỉ với 2 tập OVA, bộ phim đã phơi bày chân thật cuộc sống của những con người “khác biệt”, đi sâu vào cảm nhận của họ về niềm đam mê cũng như áp lực của thế giới thực. Anime kể về một sinh viên trẻ tuổi tên là Ken Kubo từ khi làm quen với anime, manga cho đến khi dấn sâu vào nó. Cậu học hỏi được nhiều thứ và cũng từ đó sa ngã, nhưng giữa tuyệt vọng Ken vẫn đứng lên quyết chí trở thành vua của Otaku – The Otaking. Ngụy trang dưới những thước phim tài liệu, Otaku no Video là sự kết hợp kì lạ giữa live-action và hoạt họa, đem đến câu chuyện không thể hài hước hơn, nhưng lại vừa chân thực đến đau lòng.

2. Genshiken

Khi nói đến những anime về otaku hay nhất thì Genshiken mặc định chắc chắn sẽ được nhắc tới. Genshiken là viết tắt của “Hội nghiên cứu văn hóa trực quan hiện đại”, là một câu lạc bộ ở trường đại học Tokyo. Các thành viên trong đó yêu thích cosplay, mô hình, game và chia sẻ một tình yêu chung dành cho manga/anime. Bước vào một năm học mới, hai tân sinh viên đã xin gia nhập vì những lí do khác nhau, đó là Kousaka và Sasahara. Đó là lúc câu chuyện bắt đầu. Genshiken sở hữu một nội dung rất thú vị và hài hước về một nhóm otaku điển hình tại Nhật Bản. Nhưng bên cạnh đó, nó không thiếu những cảnh phim sâu sắc và cảm động về tình bạn, tình yêu và hành trình theo đuổi niềm đam mê của những con người trẻ tuổi.

1. Welcome to the N.H.K

Không chỉ là một anime điển hình về otaku, Welcome to the N.H.K có thể nói là tác phẩm kinh điển và xuất sắc nhất ở mảng đề tài này. Bộ phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ ở Tokyo, thể hiện tâm lí và góc nhìn của họ về cuộc sống. Qua những thước phim hài hước nhưng đầy tính chân thật, Welcome to the N.H.K đã phơi bày những vấn đề nổi cộm của xã hội Nhật Bản hiện đại như otaku, hikikomori, nghiện game, lừa đảo đa cấp, tự tử qua mạng… Với sự sâu sắc về nội dung và độc đáo trong cách thể hiện, Welcome to the N.H.K có thể khiến bạn cười trong cay đắng, vừa thấm thía những bài học giá trị mà ít anime nào làm được. Mặc dù ra đời từ cách đây khá lâu, nhưng nó sẽ luôn là một tác phẩm không ngừng khiến chúng ta tự vấn và chiêm nghiệm về bản thân mình.
TopTenHazy đã bỏ lỡ anime hay ho nào không, hãy chia sẻ bình luận bên dưới nhé.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét: