ANIME REVIEW: ANNE OF GREEN GABLES

Anne of Green Gables được chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn Lucy Maud Montgomery. Tác phẩm này cực kì nổi tiếng ở phương Tây và được đón nhận trên toàn thế giới. Anne of Green Gables thuộc World Masterpiece Theater của hãng Nippon Animation. Đây là một series khá đồ sộ bao gồm các TV anime chuyển thể từ những tác phẩm văn học kinh điển như Dog of Flanders, Romeo’s blue skies, The adventures of Tom Sawyer, Les Misérables, Alps no shoujo Heidi… Không chỉ là một trong những anime nổi bật nhất của Nippon Animation, Anne of Green Gables còn được xem là bản chuyển thể tốt nhất từ tiểu thuyết, vượt qua phim điện ảnh, phim truyền hình, hoạt hình…
  • Tên: Anne of Green Gables (Akage no Anne)
  • Studio: Nippon Animation
  • Năm phát hành: 1979
  • Số tập: 50
  • Rating: (Anidb) 6.72 ; (Myanimelist) 7.59
Câu chuyện kể về hai anh em nhà Cuthbert ở Green Gables muốn nhận nuôi một bé trai để đỡ đần công việc nông trại. Tuy nhiên trại trẻ mồ côi đã nhầm lẫn đưa đến cho họ một bé gái lắm mồm, bướng bỉnh và hay mơ mộng tên là Anne. Cô bé vô cùng thất vọng trước nguy cơ bị trả về. Thế nhưng sự trong sáng, nồng nhiệt của Anne đã thuyết phục Matthew và Marilla giữ cô ở lại. Từ đó họ bắt đầu những ngày tháng nuôi dạy Anne.

Điều tuyệt nhất đó là anime bám cực kì sát nguyên tác và chuyển tải trọn vẹn tinh thần câu chuyện. Vì đây là tiểu thuyết thiếu nhi nên nội dung rất trong sáng và được tái hiện lên anime rất chi tiết, tỉ mỉ. Có một số điểm khác biệt nhỏ nhưng hầu hết thay đổi đều tốt hơn, thậm chí những tập cuối còn vượt trội hơn tiểu thuyết gốc. Đây là điều rất đáng khen bởi vì văn chương khó chuyển thể hơn nhiều so với manga. Không có cốt truyện kịch tính hay thế giới viễn tưởng kì diệu, Anne of Green Gables chỉ kể câu chuyện rất đơn giản về cuộc sống của Anne từ 11-16 tuổi. Lối kể chuyện rất thoải mái, pacing chậm, đặc biệt là cách trình bày rất chân thật và trong sáng đã góp phần giúp anime thành công trong việc khai thác đời sống sinh hoạt thường ngày.

Vì anime kể chuyện theo thứ tự thời gian khá dài (5 năm) nên sự thay đổi của các nhân vật và mọi thứ xung quanh được thể hiện rất rõ. Những tập đầu thì Marilla mệt nhọc uốn nắn tính cách hoang dại của Anne, còn Matthew vẫn bao phen hết hồn vì những sai lầm của cô. Nhưng dần dần ba người họ gần gũi như một gia đình thật sự. Anne đã mang lại sức sống cho ngôi nhà im lặng và trang nghiêm này, sưởi ấm trái tim già nua của hai anh em nhà Cuthbert. Cho đến một ngày, khi Anne đi học xa nhà thì chúng ta nhận thấy rõ sự gắn bó giữa ba người họ như thế nào. Marilla luôn miệng nhắc tới cô, còn Matthew thì lủi thủi làm việc, Green Gables trở nên trống trải hơn bao giờ hết. Những biến chuyển như vậy được miêu tả từ từ và hết sức tự nhiên. Cứ thế người xem như được trải mình cùng câu chuyện, cảm giác được lớn lên cùng Anne và chứng kiến mọi sự thay đổi xung quanh cô.

Bộ phim này còn có một cái hay đó là không chỉ kể những chuyện tốt đẹp. Thường thì anime slice of life khá yên bình, cùng lắm là có vài mâu thuẫn cao trào chứ không có sự kiện chấn động như trong Anne of Green Gables. Như thế cũng tốt vì cuộc đời mà, phải có vui có buồn, không ai biết trước được điều gì sẽ đến. Thời gian trôi qua cũng là lúc nhiều thứ bị mất đi. Matthew bệnh tật không thể theo kịp công việc đồng áng, còn đôi mắt Marilla dần lộ rõ dấu hiệu tuổi tác. Anime thể hiện sự đối lập rõ ràng giữa hai thế hệ, Anne dần trưởng thành đầy sức sống, thì hai anh em Cuthbert lại ngày một ốm yếu đi và cuối cùng cũng phải đối mặt với sóng gió lớn nhất trong đời (không muốn spoil). Việc xây dựng sự kiện lớn như vậy hay bị lạm dụng trong anime. Ví dụ như các nhân vật shonen thường có tuổi thơ bất hạnh, gặp nhiều biến cố rất chi bi tráng để khiến người xem đồng cảm. Tuy nhiên ở đây, nó không nhằm gây sốc hay gì cả mà chỉ là một sự kiện bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong đời. Nó là phương tiện để khắc họa nội tâm nhân vật, đặc biệt là phát triển nhân vật Anne và Marilla.

Ngoài ra, anime còn rất thành công trong việc xây dựng bối cảnh Avonlea châu Âu đầu thế kỉ 20. Nhà văn Lucy Maud Montgomery đã cố gắng thách thức nhiều quy ước đặt ra cho phụ nữ trong thời kì này. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục và môi trường sống. Điều đó được thể hiện rất chân thực trong anime. Các quy tắc, chuẩn mực hay định kiến đương thời đều được miêu tả kĩ càng để thấy được sự ảnh hưởng của chúng lên các nhân vật. Từ phong tục đi lễ nhà thờ, mời trà; các lễ nghi quý tộc; xu hướng mặc váy tay bồng cho đến quan niệm về mái tóc đỏ xui xẻo, hay con gái không nên học quá cao… tất cả tạo nên bối cảnh rất thật mặc dù Avonlea hoàn toàn là tưởng tượng. Có thể thấy là những người làm phim rất chăm chút world-building cho tác phẩm này.

Tuy vậy bộ phim có một điểm trừ lớn đó là kể chuyện thiếu chọn lọc. Mặc dù anime slice of life nói về đời sống thường ngày nhưng chuyện gì cũng kể rất dễ gây nhàm chán. Anime kể quá kĩ, nhiều chi tiết lặt vặt hoàn toàn có thể lược bỏ hoặc rút gọn đi. Thực ra chuyển thể không nhất thiết phải trung thành với source bởi vì cái gốc chưa chắc đã hoàn hảo. Một chuyển thể hay là biết cách chắt lọc tinh túy từ tác phẩm gốc và biến tấu những chỗ chưa phù hợp. Ví dụ như những cảnh Anne và Diana vui chơi, anime miêu tả cả quãng đường Anne đi từ nhà đến chỗ hẹn nhưng thực ra điều này không cần thiết. Hay có những đoạn hồi tưởng rất dài về lúc Anne mới đến Green Gables, dường như copy hoàn toàn những tập trước mà không chỉnh sửa gì. Vì vậy 50 tập là quá dài, nếu kể chuyện súc tích hơn thậm chí có thể rút gọn một nửa.
Từ trái qua phải: Gilbert, Mrs. Stacy, Diana, Mrs. Allan, Ruby.
Về phần nhân vật, đây là điểm đặc sắc nhất của tác phẩm này. Vì thời lượng dài nên anime có cơ hội xây dựng hệ thống nhân vật rất chặt chẽ và có sự phát triển cân đối, đồng đều. Qua việc tạo dựng thói quen, lối suy nghĩ và nắm bắt tốt cảm xúc nhân vật thì tính cách của mỗi người hiện lên rất rõ ràng, không ai giống ai. Kể cả những vai rất nhỏ như anh giúp việc cũng được thể hiện tỉ mỉ các thói quen ăn uống say sưa và hơi lơ đãng. Khi mọi người đang nghiêm túc bàn luận về Anne trong bữa cơm thì anh ta vẫn cắt thịt ăn một cách bình thản, mút ngón tay, liếm đĩa rất ngon lành, chả để ý gì đến xung quanh. Các mối quan hệ cũng được xây dựng hết sức chân thật. Đặc biệt là giữa Anne với Marilla, Matthew và Diana. Hoặc là tương tác giữa Anne và Gilbert cũng rất thú vị và biến chuyển hợp lí tự nhiên. Các nhân vật phụ thể hiện vai trò bổ trợ rất hiệu quả, không có bất cứ ai thừa thãi. Từ vợ chồng nhà Allan, cô Stacy, bạn bè trong lớp, hàng xóm cho đều được quan tâm đúng mực.
Hai nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện là Matthew và Marilla. Matthew là người trầm lặng, nhút nhát nên tính cách của ông được bộc lộ một cách tinh tế qua cử chỉ hành động. Ông luôn ngại ngùng khi gặp người lạ, thường kiếm cớ ra ngoài khi nhà có khách hay lo lắng thái quá khi mua hàng. Matthew ít khi tự quyết định mọi việc mà thường nghe lời Marilla. Có thể thấy như ở mấy tập đầu, ông không nỡ nói với Anne rằng họ muốn nuôi một bé trai nên đưa cô về nhà và phó mặc cho Marilla sắp xếp. Khi Anne vui sướng kể chuyện thì Matthew chỉ ngồi im lặng, thi thoảng ậm ừ một vài câu. Nhưng nhìn vào biểu cảm say mê lắng nghe, hay cử chỉ tự nhiên với Anne so với sự lúng túng khi gặp người qua đường, chúng ta nhận thấy được ông thật sự thấy gần gũi và yêu quý Anne. Chỉ trong một quãng đường ngắn Matthew chở Anne về nhà, anime đã thể hiện được nhiều thứ như tâm trạng, tính cách, mối quan hệ của nhân vật mà không cần nhiều lời thoại.

Matthew là người Anne yêu thương nhất vì ông nhỏ nhẹ, dịu dàng và chiều chuộng cô khác hẳn với Marilla. Qua thời gian sống cùng Anne, Matthew đã dần thay đổi. Ông có chính kiến hơn và thường bảo vệ Anne mỗi khi cô bé bị trách mắng. Matthew thể hiện sự quan tâm theo một cách riêng. Ông luôn tin tưởng và động viên Anne mỗi khi cô bé tự ti trước bạn bè. Ông quan sát Anne rất tinh tế và nhạy cảm trước những mong ước của cô, luôn muốn cô có được đời sống vật chất thoải mái. Vì Anne, Matthew đã làm những việc chưa từng làm trước đây khiến nhiều người sửng sốt. Ông nhờ bà Lynde may váy cho Anne hay tự mình đi mua vải. Vì vậy dù không nổi bật và được lên hình nhiều như Marilla, nhưng cách xây dựng nhân vật tinh tế đã giúp Matthew trở thành một vai diễn khó quên.
Ngược lại, Marilla là người rất nguyên tắc, lí trí nên anime đã lựa chọn cách thể hiện thông qua hội thoại. Bà gần như hoàn toàn đối cực với Anne. Nếu như Anne tính cách dữ dội, ồn ào, mộng mơ thì Marilla lại nghiêm khắc, ôn hòa và thực tế. Vì vậy bà luôn cố gắng rèn dũa cô bé một cách cứng rắn theo chuẩn mực, và là người có tác động mạnh mẽ nhất giúp định hình nên tính cách của cô sau này. Lời thoại của Marilla phản ánh đúng hình ảnh một người nội trợ, người chủ gia đình: luôn phải nói nhiều, suốt ngày nhắc nhở, phàn nàn và có nhiều lời khuyên từng trải. Bà không muốn Anne ăn diện, đua đòi bạn bè nên ít khi sắm sửa cho cô quần áo đẹp. Đặc biệt Marilla phạt rất nghiêm khắc khi Anne mắc lỗi như chuyện cô bé nói dối về viên đá cài áo.

Tuy nhiên dần dần Marilla cảm nhận được vai trò của người mẹ. Từ một bà cô già nghiêm nghị, Marilla đã trở thành một người phụ nữ khoan dung và mềm mỏng. Khác với Matthew, Marilla không bao giờ ôm ấp hay nói lời yêu thương cô bé. Bà ít khi biểu lộ sự quan tâm ra ngoài, nhưng thực lòng rất lo lắng cho cô. Bà không nói với Anne về sức khỏe của mình và Matthew để cô tập trung học tập. Hay là khi Anne trở về sau nhiều tháng xa nhà, mặc dù không nói ra nhưng Marilla tỏ ý giận dỗi vì Anne không về sớm mà chạy đi gặp bạn trước. Để rồi cuối cùng, cô bé lại chính là niềm tự hào và là chỗ dựa cho Marilla trước những sóng gió ập đến. Chúng ta được thấy một mặt khác ở Marilla, đằng sau vẻ ngoài rắn rỏi là những tâm tư sâu sắc về thời thiếu nữ, là một trái tim dễ bị tổn thương và gục ngã nếu không có Anne.
Cuối cùng, nhân vật tỏa sáng nhất và là linh hồn của bộ phim này không ai khác chính là Anne. Đây là kiểu mẫu nhân vật hết sức độc đáo, không thể bắt chước. Thông thường thì nữ chính trong anime khá hoàn hảo, hoặc ít ra phải đẹp vì xấu chả ai muốn xem. Tuy nhiên Anne lại được xây dựng với rất nhiều thiếu sót giống như những đứa trẻ 11 tuổi khác. Ngoại hình gầy gò, khuôn mặt đầy tàn nhang và mái tóc đỏ khác thường. Tính cách thì ngoan cố, vụng về, nói nhiều, hay mơ mộng viển vông, dễ phân tâm và đôi khi khá hoang dại. Cô thù ghét Gilbert mấy năm trời chỉ vì bị trêu chọc đúng một lần, hay thậm chí sẵn sàng bỏ học do thầy giáo không công bằng. Vậy nhưng Anne thực sự rất thông minh, sống tình cảm, luôn nỗ lực mạnh mẽ để học giỏi hơn và ngày một hoàn thiện bản thân. Đây là một nhân vật rất thực tế và con người.

Anne mất cha mẹ khi mới ba tháng tuổi vì bệnh thương hàn. Sau đó cô được một vài gia đình nhận làm việc trước khi được gửi đến trại mồ côi. Trong điều kiện sống vất vả, cô bé tìm được niềm an ủi trong thế giới tưởng tượng của mình. Đó vừa là nơi thoát li hiện thực khốn khó, vừa là chỗ dựa, một công cụ đấu tranh với đời sống thực tại. Vì không được giáo dục tử tể và có cơ hội trải nghiệm với thế giới bên ngoài, Anne đã lấp đầy cuộc sống của mình bằng những câu chuyện, bài thơ, trí liên tưởng vô cùng phong phú và sống động. Nhưng trên hết, đó là cách cô bé thích nghi với thực tại và giữ mình luôn trong trạng thái vui vẻ. Anne đã học được cách tận hưởng, tìm thấy hạnh phúc từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt. Nó cũng hình thành nên thiên hướng nghệ thuật, tính cách vui tươi năng động và sức mạnh tinh thần bền bỉ ở Anne.

Anne đã trải qua một tuổi thơ vất vả từ nơi này qua nơi khác mà không có sự chăm sóc của gia đình thật sự. Vì vậy cô luôn khao khát về một nơi gọi là nhà. Lần đầu tiên trong đời, Anne được nhận nuôi như một đứa con, được sống bình thường, đi học, vui chơi… Niềm vui sướng tột cùng được thể hiện rõ nét qua khuôn mặt rạng rỡ, nói huyên thuyên không ngừng. Mọi thứ được nhìn qua đôi mắt của Anne từ căn phòng nhỏ, cây cối, bữa ăn đều trở nên đẹp đẽ lạ thường. Chính tính cách sôi nổi đó đã đem đến sắc màu thú vị cho anime. Người xem không bao giờ cảm thấy nhàm chán ngay cả khi Anne làm những việc rất bình thường như kể chuyện, nướng bánh, dọn phòng… vì cô luôn có suy nghĩ rất khác biệt và cuốn hút.

Vì diễn biến theo quá trình trưởng thành của nhân vật nên anime coming of age có một ưu điểm lớn, đó là các nhân vật chắc chắn không đơn điệu, một chiều mà có sự phát triển. Anne ở đây cũng vậy. Chúng ta không chỉ được thấy cô lớn lên, trở nên cao ráo xinh đẹp hơn, mà tính cách cũng ngày càng chín chắn, dịu dàng. Cô bắt đầu cư xử như một quý cô phép tắc, có trách nhiệm, biết suy nghĩ thấu đáo về gia đình và tương lai. Sự phát triển nhân vật hết sức tự nhiên. Nhưng điều tuyệt hơn cả là dù đã thay đổi rất nhiều, Anne không đánh mất bản chất của mình, vẫn là một cô gái hay tưởng tượng, vẫn say sưa nhìn ngắm cảnh xuân trong khi bạn bè đang tất bật thi cử. Tất cả đã làm cho Anne trở thành một nữ chính đặc biệt trong thế giới anime.
Về mặt hình ảnh thì art của Anne of Green Gables khá đơn giản, animation trung bình nhưng background lại rất đẹp. Anime này có sự tham gia của một bộ sậu Ghibli đó là Isao Takahada (Grave of the fireflies) làm đạo diễn, Yoshifumi Kondo (Whisper of the heart) thiết kế nhân vật và Hayao Miyazaki (Spirited away, Princess Mononoke) vẽ cảnh nền. Vì vậy có thể thấy là các nhân vật trong đây tạo hình tròn trĩnh, ưa nhìn theo kiểu Ghibli. Còn background thì rất dễ phát hiện ra phong cách của Hayao Miyazaki, đặc biệt khá giống với Kiki’s delivery service hay My neighbor Totoro. Khoảng 15 tập đầu tiên do ông thực hiện thì phần hình ảnh thực sự tỏa sáng hơn hẳn phần còn lại, có thể nói hiếm TV series nào đạt được chất lượng như vậy trong thập niên 70. Nhất là các cảnh tưởng tượng của Anne rất sống động, lung linh đầy màu sắc.

Bối cảnh cũng được xây dựng vừa chính xác với lịch sử, vừa sát với mô tả trong tiểu thuyết và được đầu tư kĩ lưỡng. Bằng chứng là những người làm phim đã chi ngân sách lớn vào việc nghiên cứu lịch sử và thậm chí đến hòn đảo Prince Edward trong tác phẩm để tìm hiểu về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên. Kết quả là tuy không có chi tiết cầu kì nhưng background đã lột tả được vẻ đẹp của hòn đảo, từ những tòa nhà châu Âu cổ kính cho đến khu rừng lá kim nông thôn. Nó còn nêu bật được sự thay đổi theo mùa và năm một cách rõ ràng. Tuy phạm vi bối cảnh không lớn, chỉ quanh quẩn một vài địa điểm trên hòn đảo nhưng cảnh nền rất đa dạng và đẹp tựa như những bức tranh sơn dầu. Song anime vẫn mắc phải điểm trừ là sliceshow, cuộn cảnh tương đối nhiều và nhàm chán.

Khoản âm nhạc của Anne of Green Gables thì khá hạn chế. Nhìn chung nó được dùng phù hợp, đúng lúc, ăn khớp với nội dung anime. Trong cảnh vui vẻ thì âm nhạc rộn ràng, tươi vui; còn khi buồn thì nhẹ nhàng, ảm đạm. Có thể thấy là các soundtracks đã hoàn thành vai trò tương đối ổn nhưng lại hơi mờ nhạt, không có bài nào để lại ấn tượng. Opening và Ending cũng khá bắt tai nhưng chưa đặc sắc, mang âm hưởng nhạc phim cổ điển những thập niên trước. Lồng tiếng phù hợp với tất cả các nhân vật. Bản thân mình thì không thích giọng của Anne, nhất là khi cô bé giận dỗi hay lo lắng lồng tiếng hơi kịch và giả tạo.

Tổng kết lại, mặc dù còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là trong cách kể chuyện nhưng Anne of Green Gables là một chuyển thể thành công. Anime đã thể hiện tốt nhất về khoản nhân vật, họ đều rất dễ chịu, thực tế và lúc xem xong hẳn bạn sẽ yêu quý tất cả các nhân vật trong bộ phim này. Anime chỉ chuyển thể quyển 1 của series tiểu thuyết. Nếu yêu thích tác phẩm này thì bạn có thể tìm đọc các phần còn lại xoay quanh cuộc sống của Anne khi kết hôn, có con… Ngoài ra Before Green Gables (2009) là prequel kể về Anne lúc nhỏ trước khi đến Green Gables, đây cũng là một anime hay đáng xem.
Overall: 7
Người viết: Hazy Nguyen
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét:

TOP 15 NHÂN VẬT ANIME SỬ DỤNG NĂNG LỰC BĂNG

Các nhân vật trong anime thường sở hữu những năng lực đặc biệt để chiến đấu hay phòng vệ trong các trận chiến. Có rất nhiều năng lực khác nhau được phân loại theo phép thuật, nguyên tố tự nhiên, linh thú đại diện, vũ khí… Tuy nhiên trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về băng. Đây là một trong những năng lực xuất hiện nhiều và được cho là mạnh nhất trong thế giới anime. Sau đây, hãy cùng điểm lại những nhân vật có khả năng điều khiển băng tuyết được yêu thích nhất nhé.

Gray Fullbuster (Fairy tail)

Là một trong những nhân vật chính của Fairy Tail, anh chàng cuồng "lột đồ" Gray cũng được biết đến là một pháp sư mạnh về băng thuật. Anh đặc biệt hay đấu đá và thậm chí đánh nhau với Natsu mỗi khi gặp mặt. Tuy nhiên, Gray lại rất sợ Erza vì cô rất mạnh và chỉ có cô mới có thể ngăn được những lần anh và Natsu đánh nhau mà thôi. Mặc dù Gray hay đả kích đồng đội của mình nhưng vẫn đặc biệt xem trọng họ như người trong gia đình. Anh cũng có một quá khứ buồn với sư phụ Ul và một người bạn của mình. Thói quen "lột đồ" tưởng chừng như chỉ là sở thích lố bịch của một tên rảnh đời, nhưng lại không đơn giản như vậy, vì hành động đó có lẽ phần nào sẽ giúp anh luôn nhớ đến Ul.

Esdeath (Akame ga kill)

Xuất hiện với ngoại hình của một cô gái cao ráo, mặc quân phục với mái tóc dài và đôi mắt màu lam, Esdeath được liệt vào hàng những nhân vật nữ "xinh đẹp nhưng nguy hiểm nhất". Cô có một hình xăm ở trên ngực - đồng thời là dấu hiệu cho vũ khí Teigu của mình. Esdeath là người tàn bạo và thiếu sự đồng cảm với người dân - mà đối với cô là những kẻ yếu ớt, vì cô sống theo triết lý của cha mình. Cô cũng không e ngại về việc giết những người dân vô tội để có được những gì mình muốn. Esdeath thích chiến đấu và giữ sự tôn trọng đặc biệt đối với các đối thủ mạnh. Điều này được thể hiện khi cô công khai thừa nhận Susanoo như một chiến binh hơn là một Teigu thông thường.

Toshiro Hitsugaya (Bleach)

Mặc dù còn rất trẻ, nhưng tính cách của Hitsugaya rất chín chắn và nghiêm túc, trái ngược hẳn với Matsumoto (đội phó của cậu). Toshiro hay bị nhầm lẫn với học sinh tiểu học và cậu cũng rất ghét khi bị so sánh với trẻ con. Vì mang nguồn sức mạnh băng trong người nên cậu rất ghét mùa hè và thời tiết ấm áp. Tuy tuổi còn rất nhỏ và chưa qua luyện tập, Hitsugaya có thể nghe thấy tiếng gọi của linh hồn Zanpakuto của mình, Hyorinmaru. Hitsugaya thi vào trường đào tạo Shinigami chỉ cần một năm, và cũng chỉ cần một năm, cậu tốt nghiệp ra trường với số điểm cực cao ở mỗi môn. Với tài năng thiên bẩm của mình, cậu nhanh chóng trở thành đội trưởng trẻ tuổi nhất Gotei 13 trong lịch sử của Soul Society.

Mizore Shirayuki (Rosario + Vampire)

Mizore là một nữ sinh cá tính với mái tóc cắt ngắn và trang phục khác biệt khi ở trường. Ngoại hình của Mizore sẽ không thay đổi cho đến khi cô biến thành Yuki-Onna - một "chị" chúa tuyết - khi đó hai bàn tay cô sẽ được bao bọc bởi băng, trở thành những móng vuốt băng sắc nhọn. Đôi khi tóc của cô cũng sẽ biến thành băng. Vào lần đầu tiên xuất hiện, Mizore được xem như là một cô gái cô đơn, buồn rầu và khó hiểu. Nhưng sau khi gặp Tsukune Aono và trở thành bạn với tất cả mọi người, cô đã thể hiện mình là một người kín đáo với những cảm xúc riêng mà cô chỉ bày tỏ khi ở bên Tsukune. Cô bắt đầu yêu Tsukune một cách mãnh liệt, thậm chí còn muốn có em bé với anh.

Kuzan/Aokiji (One Piece)

Aokiji là người rất lười biếng và ham ngủ, bằng chứng là ông luôn luôn mang theo một chiếc mặt nạ ngủ trên trán và đôi lúc có thể ngủ đứng được. Ông thậm chí còn nói rằng mình là người ủng hộ cho "Lazy Justice" (Công Lý Lười). Ông còn có lối sống khá buông thả, không quan tâm gì tới thế giới bên ngoài và đôi khi còn khá trẻ con. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu Aokiji có thực sự là một Đô Đốc không. Aokiji là người trung thành với Chính Phủ Thế giới, và dù những mệnh lệnh ông được nhận là đúng hay sai, ông vẫn hoàn thành nó xuất sắc. Giống như khá nhiều những nhân vật One Piece khác, khi chứng kiến những vụ tàn sát vô lý đối với người dân vô tội, Aokiji đã phần nào nhận ra được Chính Phủ Thế giới đã thối nát đến mức nào.

Yoshino (Date a live)

Yoshino là Tinh linh thứ hai được Shidou cứu giúp (sau Tohka) và cũng là Tinh linh nhỏ tuổi nhất được biết đến tại thời điểm này trong Date A Live. Yoshino sở hữu ngoại hình của một bé gái xinh xắn trong độ tuổi khoảng từ 13 đến 14. Yoshino là một cô bé nhút nhát nhưng tốt bụng, thụ động hơn rất nhiều so với các Tinh linh khác. Cô sở hữu đến hai nhân cách: Yoshino và Yoshinon. Yoshinon xuất hiện dưới hình dáng một con rối nói chuyện bằng thuật nói bụng, và được tạo ra để giúp cô vượt qua những gian nan khi bị săn đuổi bởi lực lượng AST. Do bản tính quá nhút nhát nên mỗi lần thất lạc (thậm chí là rơi vào bồn tắm), cô bé sẽ khóc òa lên và vô tình đóng băng mọi thứ xung quanh.

Haku (Naruto)

Một đứa trẻ bất hạnh được sinh ra với huyết kế giới hạn bị nguyền rủa trong ngôi làng quanh năm phủ tuyết trắng, Haku đã không thể che dấu được sự thật đó suốt cuộc đời. Năm cậu 7-8 tuổi, cha cậu đã vô tình phát hiện ra năng lực của mẹ con cậu và nhẫn tâm giết hại người mẹ. Haku không còn cách nào khác ngoài sử dụng huyết kế giới hạn để giết cha mình. Kể từ đó, Haku trở thành đứa trẻ lang thang với tuổi thơ nhuốm máu đầy hận thù đau khổ. Sau này, cậu đã được Zabuza cứu sống và thu nhập làm "vũ khí chiến đấu". Dù biết rõ mình chỉ là một công cụ nhưng Haku chưa bao giờ phản bội lại Zabuza. Cậu đặc biệt luôn tôn thờ anh, nguyện sống và chiến đấu chỉ để thực hiện ước mơ của Zabuza.

Shiba Miyuki (Mahouka Koukou no Rettousei)

Được miêu tả như một cô gái dễ thương và đáng yêu với mái tóc dài, Miyuki là một học viên ưu tú của Học viện pháp thuật. Trang phục của cô là váy dài màu trắng với những bông tuyết rất đẹp như để tượng trưng cho sức mạnh ma pháp của mình. Miyuki rất yêu thương anh trai Tatsuya mặc dù giữa hai người có khoảng cách khá lớn về năng lực cũng như địa vị. Cũng như tình cảm của Tatsuya dành cho cô, Miyuki luôn xem anh là trung tâm của thế giới và trong mọi trường hợp luôn đặt anh lên trước bản thân mình. Cô muốn cả hai ở bên nhau lâu nhất có thể, thậm chí không quan tâm dù mình có bị người khác xem như một người em gái không đáng tin cậy. 

Horokeu Usui (Shaman king)

Horokeu biệt danh Horohoro là một thành viên của Ainu Tribe, con trai của Usui Lycan và anh trai của Usui Pirika. Horohoro là người tốt bụng và vui vẻ, nhưng cậu trở nên rất nghiêm túc trong những tình huống nguy hiểm. Cậu liên tục tranh luận với đồng đội Tao Ren và dường như họ không thể hoà thuận. Tuy nhiên, điều đó không thể phủ nhận việc Horohoro thực sự rất quan tâm đến Ren, khi cậu nói với Yoh rằng nếu Yoh không thể cứu Ren, cậu sẽ không bao giờ tha thứ cho Yoh. Horohoro cũng giữ kín quá khứ của mình và không muốn nói về nó. Qua các trận chiến, có thể thấy rằng Horohoro thật sự là một chiến binh băng thuật tài năng. Tên của cậu "Horokeu" trong tiếng Ainu có nghĩa là "chó sói". 

Evangeline A.K. McDowell (Mahou Sensei Negima!)

Xuất hiện với hình dạng của một cô bé 10 tuổi, thật không thể ngờ rằng Evangeline là một ma cà rồng và đã sống hơn 700 năm. Khi Eva thức dậy vào ngày sinh nhật lần thứ mười, cô đã phát hiện ra một sự thật rằng mình đã bị biến thành một ma cà rồng trong khi đang say ngủ. Ban đầu Eva đã gặp những khó khăn với điểm yếu thông thường của một ma cà rồng khi đối mặt với ánh sáng mặt trời, nhưng cô đã học được cách vượt qua nó. Cô cũng phát triển sức mạnh ma thuật của mình để có thể trả thù người đàn ông đã biến đổi cô. Ban đầu Eva đã buộc phải sống một cuộc sống phiêu bạt vì không thể che giấu việc cơ thể mình bất tử, nhưng sau đó cô đã sử dụng ma thuật để ngụy trang bản thân thành một người trưởng thành.

November 11 (Darker than black)

November 11 là đặc vụ hàng đầu của MI-6. Anh có một tính cách điềm tĩnh điển hình của một Contractor. Ngoài ra anh có khiếu hài hước và thường hay nói đùa. Tuy nhiên, trong khi chiến đấu November 11 không bao giờ biểu lộ cảm xúc của mình. Nhìn chung, anh là một người rất tốt bụng và biết quan tâm đến đồng đội, nhưng cũng không hề e ngại giết kẻ thù của mình ngay cả khi trận chiến đã kết thúc. Khả năng của November 11 là đóng băng chất lỏng, bao gồm cả máu trong cơ thể con người mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nó. Anh còn biến nước thành đạn bằng cách đóng băng nó, và sau đó ném mạnh chúng với độ chính xác chết người. November 11 cũng có thể tạo ra lá chắn bảo vệ bằng nước đóng băng.

Blue rose (Tiger & Bunny)

Karina Lyle hay còn gọi là Blue Rose, là một nữ anh hùng vẫn đang học trung học. Cô sống cùng với cha mẹ và tận dụng những chiến công anh hùng của mình để thúc đẩy sự nghiệp làm ca sĩ. Cô cũng là một nghệ sĩ piano dưới tên thật của mình tại một nhà hàng địa phương. Blue có sức mạnh kiểm soát và điều khiển băng. Phần lớn thời gian cô sử dụng một cặp "Súng đóng băng chất lỏng" để truyền sức mạnh của mình. Ngoài ra kỹ năng nhảy của Blue rất tốt, điều đó giúp cô có thể dạy cho Kotetsu và Barnaby để biểu diễn đồng bộ với mình. Tuy là một nữ anh hùng được mến mộ nhưng Blue thực chất lại khá ích kỷ, trẻ con và nhạy cảm.

Yukihina (Code:Breaker)

Với làn da tối màu, thật hiếm thấy những nhân vật như thế này lại sở hữu sức mạnh băng. Yukihina sở hữu mái tóc dài được cột bằng những dải băng quấn, mặc hoodie và thường đội mũ trùm đầu. Yukihina tỏ ra là một người lãnh đạm và rất bình tĩnh vì anh hiếm khi bị đe dọa bởi bất cứ điều gì. Anh cũng từng nói với Rui Hachiouji rằng sẽ không ngần ngại giết bất kì người nào dám ngáng đường. Yukihina có một mặt khá tàn bạo trong nhân cách của mình. Bằng chứng là anh đã mỉm cười thích thú với Rui khi anh giết cô để lấy chìa khóa thẻ cho chiếc hộp Pandora và nói "Thật không tồi khi nghe thấy cô la hét trong đau đớn". Tuy nhiên, Yukihina lại có một ý thức tôn trọng các bằng hữu khác. 

Princess snow Kaguya (Sailor moon)

Princess Snow Kaguya là nhân vật phản diện chính trong manga Sailor Moon, The Lover of Princess Kaguya và movie thứ hai, Sailor Moon S: The Movie-Hearts in ice. Mục đích của cô là nhấn chìm trái đất trong băng tuyết để khiến nó trở thành một phần trong "bộ sưu tập" các hành tinh bị tuyết bao phủ. Thuở xưa, cô đã từng cố gắng để thực hiện mục đích đó, nhưng đã thất bại khi Pha Lê Bạc làm tan chảy băng và cứu lấy hành tinh. Cô có sức mạnh của băng và tuyết, sương giá và mưa tuyết, mưa đá và mưa dông, sự tê cóng và lạnh lẽo. Cô có thể điều khiển những trận bão tuyết lớn và hình thành chúng trên Trái Đất, đồng thời sai khiến các Snow Dancer như những người đầy tớ của mình.

Cygnus Hyoga (Saint seiya) 

Hyoga là một trong những nhân vật chính của series Saint seiya. Hyoga là người điềm đạm, bình tĩnh và lạnh lùng. Là một Saint sinh ra dưới chòm sao Cygnus, Hyoga có thể kiểm soát và điều khiển băng tuyết theo ý mình. Bằng cách phát triển Cosmo của bản thân, Hyoga có thể đóng băng đồ vật và cả con người. Trong cuộc chiến chống lại người thầy của anh, Gold Saint Aquarius Camus, Hyoga đã thức tỉnh giác quan thứ 7 của mình và đóng băng cả bộ Giáp Vàng, chiến thắng Camus. Hyoga còn sở hữu một chiêu thức gọi là Kol'co. Ở chiêu thức này Hyoga đã tạo ra một chiếc nhẫn băng bao quanh và làm tê liệt đối thủ.
Bạn có đồng ý với Top 10 này không? Hãy để lại bình luận tại sao nhé.
Tổng hợp: KMMN
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét:

TOP 10 ANIME CÓ TẬP MỞ ĐẦU HAY NHẤT

Đầu xuôi thì đuôi lọt, một bộ phim có mở đầu hay sẽ dễ dàng tạo thiện cảm cho người xem và hấp dẫn cho đến cuối. Thông thường khán giả sẽ quan tâm nhiều nhất đến tập đầu tiên và cuối cùng của một anime, vì vậy nó là phần khá quan trọng trong tổng thể series. Tập 1 là lời mời gọi khán giả đến với tác phẩm. Nó được xem là đại diện cho phong cách, thể loại, hướng đi cũng như giới thiệu chung về nội dung phim. Thế nên rất nhiều người sẵn sàng drop cả anime chỉ vì xem một tập duy nhất có ấn tượng ban đầu không mấy tốt đẹp. Ngược lại có những anime tuy không đặc sắc nổi trội về tổng thể, nhưng tập mở đầu lại hết sức xuất sắc khiến bạn không thể nào quên.

10. Sasameki Koto

Trái ngược với những anime thu hút khán giả bằng một khởi đầu tràn ngập fanservice hay các pha hành động mãn nhãn, thì Sasameki Koto lại kể về câu chuyện thất tình buồn bã của một cô gái. Mạch phim nhẹ nhàng, pacing cân đối, các nhân vật được miêu tả rõ nét cả về tính cách và các mối quan hệ. Sasameki Koto càng tỏa sáng hơn nữa khi khắc họa một cách chân thật và tinh tế tâm trạng của những người con gái khi yêu. Đó là cái nhìn lén đầy trìu mến hướng về ai đó, là nỗi trăn trở về thứ tình cảm bất thường, là đau đớn trước lời yêu bị từ chối, là tiếng thở dài của mối tình đơn phương vô vọng. Với sự xuất sắc trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, tập đầu tiên của Sasameki Koto đã tạo sự đồng cảm mạnh mẽ và xóa tan sự e dè của nhiều khán giả với thể loại Shoujo-ai.

9. R.O.D The TV

Ngược lại với không khí thâm trầm dịu dàng của Sasameki Koto thì tập 1 của R.O.D The TV lại vô cùng sôi động. Bộ phim bắt đầu khi Nenene Sumiregawa, một tác giả nổi tiếng đặt chân đến Hồng Kông để tham gia một buổi ký tặng sách. Tuy nhiên cô nhận được thư đe dọa nặc danh và phải thuê ba chị em thám tử bảo vệ. Còn gì thú vị hơn khi ngay từ tập đầu tiên, bạn được chiêm ngưỡng những màn action hết xảy từ khủng bố bom cho đến cướp máy bay; những năng lực điều khiển giấy đầy sáng tạo hiếm có trên màn ảnh; hay âm nhạc catchy đậm mùi điệp viên 007. Không chỉ hoàn thành vai trò giới thiệu bối cảnh và nhân vật, tập mở đầu này còn tiết lộ một vài bí ẩn hấp dẫn khiến chúng ta không thể chờ đợi để xem tiếp được nữa.

8. Seto no hanayome

Câu chuyện xoay quanh Nagasumi cùng gia đình về quê nội chơi nhân dịp nghỉ hè. Một ngày nọ đi bơi, cậu suýt chết đuối và được một người cá xinh đẹp cứu sống. Rắc rối nảy sinh khi Nagasumi buộc phải cưới cô, nếu không cô sẽ phải chết theo luật người cá vì để lộ thân phận của mình. Kể ra nghe có vẻ rất lãng mạn nhưng tập 1 của Seto no hanayome có thể khiến bạn cười rớt hàm. Tuy nội dung không mới mẻ hay có gì đặc biệt nhưng anime đã rất thành công trong việc khắc họa các chi tiết comedy. Từ lối phóng đại hài hước, sự đa dạng trong biểu cảm nhân vật, các vai lồng tiếng xuất sắc cho đến cách kết hợp tài tình giữa romcom, slice of life và fantasy… có thể nói tập mở đầu của Seto no hanayome đạt tiêu chuẩn vàng mà một bộ phim hài nên có.

7. Ergo proxy

Ergo Proxy mở ra bối cảnh hậu tận thế ở một thành phố tên là Romdeau. Tại đó các AutoReiv nhiễm một loại virus bí ẩn gây ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng. Thanh tra Real Mayer được cử điều tra vụ việc này và phát hiện ra sự can thiệp của một thực thể bí ẩn. Ngay tối hôm đó, cô bị tấn công tại nhà riêng. Cách phác họa bối cảnh hấp dẫn, tạo dựng không khí đặc trưng và hé lộ bí ẩn cuốn hút đã làm nên thành công của tập phim này. Ngay từ những giây đầu tiên, người xem dễ dàng bị ấn tượng bởi phần đồ họa độc đáo, thiết kế nhân vật khác biệt và sự xuất sắc trong kĩ thuật animation từ quay phim, chuyển cảnh, ánh sáng, phối màu… Ergo Proxy đã có phần mở màn không thể tuyệt hơn ở thể loại Sci-fi, mystery.

6. Witch Hunter Robin

Một tập phim hay có thể rất kiệm lời thoại hay pacing siêu chậm, nhưng tất cả được thể hiện một cách hài hòa và lôi cuốn. Witch Hunter Robin mở đầu bằng một tập phim như thế. Các nhân vật được lần lượt giới thiệu một cách từ tốn. Mỗi cảnh phim thì trôi qua nặng nề, chậm chạp. Tông màu u tối phủ lên anime một sắc thái ảm đảm. Nhấn nhá thêm là một vài cảnh hành động và bí ẩn hấp dẫn khơi gợi trí tò mò của người xem. Tổng hòa lại, những chi tiết này đã gợi tả hết sức thành công bối cảnh và không khí của bộ phim. Câu chuyện xoay quanh Robin, một cô gái 15 tuổi từ Italia đến Nhật Bản để thay thế một thành viên vừa bị giết hại trong tổ chức STN-J.

5. The vision of Escaflowne

Một chiến binh trẻ tuổi ăn mặc kì lạ đột nhiên xuất hiện giữa sân trường, một con rồng khổng lồ hiện ra trong thời hiện đại, những cột sáng từ trên trời chiếu thẳng xuống mang theo các sự kiện huyền bí… Tập mở đầu của The vision of Escaflowne hội tụ đầy đủ mọi yếu tố mà một fan dòng phim fantasy mong chờ. Với phần hình ảnh rất đẹp so với các anime cùng thời và âm nhạc đặc sắc dưới sự nhào nặn của Yoko Kanno, The vision of Escaflowne dễ dàng ghi điểm trong mắt người xem ngay từ khi bắt đầu. Từ cách thiết lập bối cảnh, giới thiệu nhân vật cho tới phong cách kể chuyện cuốn hút và chặt chẽ, tập 1 này đã hoàn thành xuất sắc vai trò tiên phong, dẫn dắt người xem bước vào thế giới giả tưởng kì diệu của The vision of Escaflowne.

4. Cross game

Cross game là một trong những anime hiếm hoi mà chúng ta phải tạm biệt với nhân vật chính ngay từ tập đầu tiên. Không đao to búa lớn, không kể những cái kì diệu phi thường, nhưng anime lại lấy lòng người xem nhờ những thước phim bình dị và chân thật. Cuộc sống thường ngày của Kou Kitamura và bốn chị em nhà Tsukishima được tái hiện lên màn ảnh hết sức tự nhiên và đáng yêu. Nhưng điều tuyệt nhất ở tập này đó là cách miêu tả nỗi u sầu và chuyển biến tâm trạng của các nhân vật trước sự ra đi của Wakaba. Những cảm xúc của mỗi người, từ các thành viên trong gia đình, bạn bè và đặc biệt là của Kou được diễn tả rất sâu sắc và lắng đọng. Rất nhiều người cho rằng Cross game là anime có tập mở đầu hay nhất, đơn giản vì nó đã chạm đến trái tim họ.

3. Kotoura-san

Mười phút đầu tiên của Kotoura-san có thể nói là những thước phim đắt giá có một không hai của nền công nghiệp anime Nhật Bản. Bộ phim mở ra bằng câu chuyện drama mãnh liệt có thể lấy nước mắt của bất cứ ai. Chỉ trong vòng 10 phút, anime đã phác họa một cách sống động và đầy cảm xúc về cuộc đời của Kotoura Haruka. Cô bé được sinh ra trong tình yêu của cha mẹ và sống một tuổi thơ yên bình như bao đứa trẻ khác. Cho tới một ngày, khi người ta phát hiện ra Haruka có năng lực nhìn thấu suy nghĩ người khác, cũng là lúc cô rơi vào vòng xoáy liên miên của những biến cố. Với lối kể chuyện cô đọng và khai thác tâm lí nhân vật xuất sắc, tập mở đầu của Kotoura-san đã ghi tạc dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả.

2. Basquash!

Nếu trộn lẫn giữa phong cách của FLCL, đồ họa Tekkon Kinkreet và chất mecha cá tính của Tengen Toppa Guren Lagann thì bạn sẽ có Basquash. Vẫn những mô típ đặc trưng của dòng shounen anime nhưng tập mở đầu của bộ phim này đã có màn thể hiện rất đáng kinh ngạc. Phần hình ảnh đem lại trải nghiệm thị giác ấn tượng nhờ art độc đáo, kĩ thuật CG điêu luyện và background phong phú tuyệt đẹp. Nhịp phim rất nhanh mang theo sự cuốn hút kì lạ khiến người xem không kịp thở. Đó là chưa kể đến sự kết hợp thú vị giữa bóng rổ và mecha, hay những màn fanservice xốn xang con mắt. Tất cả đã vẽ nên một thành phố công nghệ kì diệu, nơi mà những trận bóng rổ hiện lên sinh động và cuốn hút hơn bất kì anime thể thao nào.

1. Otogi zoshi

Mở đầu bằng một màn rượt đuổi vô cùng sống động và hút mắt, Otogi zoshi đã có màn giới thiệu không thể tuyệt vời hơn. Production I.G một lần nữa thể hiện trình độ làm các cảnh action như việc biên đạo kiếm thuật rất thực tế và animation linh hoạt. Không chỉ dừng lại ở đó, là một anime thuần dã sử nhưng Otogi zoshi mang phong cách rất độc đáo và cá tính. Phần art ấn tượng, thiết kế nhân vật đặc trưng và đặc biệt là sự vận dụng xuất sắc màu sắc và ánh sáng đã biến tập đầu tiên của anime này tựa như một show triển lãm tranh nghệ thuật Nhật Bản cổ xưa. Cộng hưởng vào đó là âm nhạc mang sắc thái vừa truyền thống vừa hiện đại, cùng với kĩ thuật quay phim và chuyển cảnh điêu luyện đã tạo nên một tổng thể ấn tượng. Không có bất kì tập nào trong anime này đạt đến sự xuất sắc vượt trội của tập mở đầu.
Đề cử: Kurozuka, Kyousogiga, Attack on titan, The melancholy of Haruhi Suzumiya, Noir, Eden of the East, Kill la kill, Tetsujin-28 (2004), Futakoi Alternative, Ga-rei Zero, Great teacher Onizuka, Usagi drop, Daily lives of high school boys, Armored Trooper Votoms, Canaan, Kekkai sensen, Haibane renmei, Samurai champloo…
Bạn có đồng ý với Top 10 này không? Hãy để lại bình luận tại sao nhé.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét:

SỰ TIẾN HÓA CỦA NHỮNG CHIẾC MŨI TRONG ANIME

Mũi là một phần rất quan trọng trong hội họa, vì nó nằm ngay trung tâm khuôn mặt của người và động vật. Với công nghệ ngày càng phát triển, hoạt họa và đồ họa cũng ngày càng được nâng cao. Vậy qua nhiều năm thì thiết kế những chiếc mũi trong anime đã thay đổi như thế nào? Hãy cùng xem thời gian và công nghệ đã “tiến hóa” bộ phận cơ bản này của con người ra sao nhé.

Những năm 80

Summer 1983 - Magical Angel Creamy Mami
Cũng như các phần khác trên khuôn mặt thì chiếc mũi trong anime thường không được vẽ sát thực. Trong anime shoujo idol kinh điển ở trên thì nhân vật chính Yuu có một chiếc mũi nhỏ và hơi cong. Phần bên dưới nở rộng hơn và có điểm nhấn, tạo nên chiếc mũi tròn rất đáng yêu. Style này cũng xuất hiện ở một loạt anime khác như Sasuga no Sarutobi và Kimagure Orange Road.
Một người bạn của Yuu là Toshi cũng có một chiếc mũi cong. Nhưng ở đây phần đỉnh mũi lớn hơn một chút, cả sống mũi cũng được vẽ rõ không giống như Mami. Có thể nói từ hồi đó đã có sự phân biệt giữa mũi của nam và nữ.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu xu hướng có rất ít kiểu mũi cho nhân vật nữ trong anime. Mũi của phụ nữ và các cô gái chỉ được vẽ hoặc là tròn đầy đáng yêu, hoặc là có đỉnh nhọn như Megumi ở trên. Một số chiếc mũi nhọn như thế còn sắc đến mức có thể dùng làm vũ khí như trong Majokko Megu-chan hoặc Detective Conan.
Mũi của các thành viên nam trong hội đồng công ty tìm kiếm tài năng của Yuu được minh họa bằng nhiều kiểu thú vị khác nhau. Nhưng cũng như các cô gái trẻ đẹp thì những chàng trai đã được định trước là đẹp trai hơn sẽ được vẽ mũi nhọn giống Megumi. Từ đó dẫn đến tiêu chuẩn mũi của anime đó là ai có mũi thon nhọn tức là người ấy rất hấp dẫn. Nếu muốn thấy nhiều kiểu mũi nam khác nhau thì loạt phim Lupin III là một ví dụ tốt, nhất là đối với các nhân vật phụ.
Winter 1986 – Dragon Ball
Series Dragon Ball ra đời vào khoảng giữa những năm 80 và là mở đầu cho những chiếc mũi chấm phá không có sống mũi như Goku. Khác với nhiều nhân vật khác về sau, chiếc mũi của cậu vẫn giữ nguyên hình dạng dù khuôn mặt có thay đổi như thế nào. Thay đổi lớn nhất phải kể đến Bulma có đường mũi mỏng hơn.
Winter 1989 - Legend of the Galactic Heroes
Mũi của Reinhard và Siegfried được thiết kế không hề đơn giản, chúng rất sống động và có cả lỗ mũi. Đáng tiếc là các nhân vật anime thường không có đặc quyền ngửi như thế này, nên phải đến lâu sau kiểu mũi này mới được dùng lại.

Những năm 1990

Spring 1992 - Sailor Moon
Sailor Moon ra mắt vào những năm 90 và phổ biến rộng rãi những chiếc mũi nhọn. Kể từ đó, hầu hết các nhân vật đều được vẽ mũi cong nhọn hơn là tròn trịa. Trong Oniisama e… cũng vậy.
Nhìn lướt qua thì Tuxedo Mặt Nạ có cùng kiểu mũi như Usagi, nhưng nhìn kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện sống mũi anh ấy thẳng giống như họa sĩ dùng thước kẻ vậy.
Summer 1997 - Pokemon
Vào khoảng cuối những năm 90, chúng ta thấy những chiếc mũi được vẽ bằng một đường thẳng khi nhân vật nhìn chính diện. Từ trước đó cũng đã xuất hiện kiểu mũi này như của Ash, nhưng nó ngắn hơn và đường thẳng này trở nên dài ra ở các thế hệ sau. Khi Ash nhìn thẳng vào máy quay, mũi cậu ấy giống như bị kéo lệch sang một bên vậy.
Misty đã cho chúng ta thấy sự lột xác từ những chiếc mũi hơi tròn đáng yêu kiểu cổ điển thành chiếc mũi nhọn xinh xắn, mà không cần sống mũi như Sailor Moon. Nó cũng khá giống ký hiệu dấu lớn hơn, bé hơn (> <) trong môn Toán cơ bản. Một ví dụ khác của kiểu mũi này là trong Kodomo no Omocha.
Spring 1998 - Cowboy Bebop
Mũi của Spike có thể nói là một ví dụ chân thực nhất khi có cả lỗ mũi, nhọn ít hơn và đổ bóng.
Như mọi khi thì cánh đàn ông luôn có nhiều kiểu mũi hơn. Ví dụ như chiếc mũi hình mũi tên của Jet, hay nhiều kiểu dáng khác đến từ các nhân vật phụ trong Cowboy Bebop. Domon Ishijima trong Rekka no Honoo cũng là một ví dụ hay về chiếc mũi quá khổ.

Những năm 2000

Summer 2001 - Fruits Basket
Bước sang thế kỷ mới thì giới tính các nhân vật có sự khác biệt ít đi. Trong series shoujo Fruits Basket, cả nam và nữ đều được vẽ mũi nhọn, có thể thấy ở trên mũi của Yuki chỉ lớn hơn một chút so với Tohru.
Tuy vậy, mũi của các nhân vật lại rất khác khi họ nhìn thẳng vào máy quay. Ở đây, chúng ta thấy mũi của Tohru gần như biến mất, chỉ còn lại một nét nhỏ và bóng đổ. Có khi bạn sẽ phải thắc mắc liệu cô ấy có ngửi được với một chiếc mũi nhỏ xíu như vậy không.
Fall 2002 - Naruto
Các nhân vật trong Naruto có thể thở phào vì họ đã có lỗ mũi – chính là hai chấm nhỏ ngay phía dưới. Giống như trước đây thì phần dưới mũi đã được nhấn mạnh, nhưng giờ được vẽ bằng bóng đổ thay vì đường cong.
Khi nhìn ngang, mũi của Naruto được họa sĩ vẽ đúng với kiểu mũi trẻ con nhưng thật hơn so với các anime trước đây. Nó không còn đỉnh nhọn nữa mà được vẽ tỉ mỉ và tròn trịa. Phần dưới mũi có cả bóng đổ và lỗ mũi khiến chúng nhìn thật hơn.
Fall 2006 - Code Geass
Khi nhìn một bên thì Lelouch có một chiếc mũi sắc nhọn như Ash và Misty. Tuy nhiên, khi nhìn chính diện, kiểu mũi này đã được phát triển từ thiết kế đơn giản của những năm 90. Toàn bộ chiếc mũi được vẽ bóng thay vì chỉ một phần nhỏ, còn đường thẳng được kéo dài ra tạo nên sống mũi hoàn chỉnh.
Như thường lệ trong anime, những người đàn ông lớn tuổi trong Code geass thường có mũi to hơn các chàng trai trẻ. Giống như họ bị dính lời nguyền càng nhiều tuổi hơn thì mũi càng to ra vậy… Ít nhất thì phụ nữ được đảm bảo an toàn trước lời nguyền đó, vì gái đẹp không bao giờ có mũi to được.
Một điểm khác biệt quan trọng khác giữa đàn ông lớn tuổi và người trẻ đó là độ cong của chiếc mũi. Hầu hết các chàng trai hấp dẫn sẽ có đường cong của mũi giống phụ nữ, còn thế hệ lớn tuổi hơn thì mũi giống như thừa ra khỏi khuôn mặt vậy.

Từ 2010 đến nay

Spring 2010 - Angel Beats!
Đây chính là sự trở lại của những chiếc mũi nhọn, nhưng nhỏ hơn nhiều so với những năm 80 và 90. Kiểu đồ họa Fruits Basket tiếp tục được sử dụng khi những chiếc mũi gần như biến mất trên khuôn mặt. Điều này có thể thấy rõ trong Nisekoi, Magi: The Labyrinth of Magic và Soredemo Sekai wa Utsukushii.
Winter 2015 - Assassination Classroom
Một xu hướng khác trong thập kỷ này đó là sự khác biệt giữa những kiểu mũi trong anime shoujo và shounen. Mũi trong anime shounen thường thiên theo hướng hiện thực, còn shoujo thì chú trọng về độ dễ thương (làm gì có con gái nào không thích mấy thứ dễ thương). Và như ta thấy ở đây, sự khác biệt về mũi giữa nam và nữ của các học sinh lớp E gần như không còn.
Chúng ta đã đi từ những chiếc mũi nhỏ đầy đặn, đến mũi nhọn nguy hiểm chết người, và giờ là những nét chấm trong quá trình lịch sử của những chiếc mũi trong anime. Hy vọng bạn thích chuyến khám phá này.
Nguồn: MAL
Người dịch: Celery
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi rõ nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét: