SỰ TIẾN HÓA CỦA NHỮNG CHIẾC MŨI TRONG ANIME

Mũi là một phần rất quan trọng trong hội họa, vì nó nằm ngay trung tâm khuôn mặt của người và động vật. Với công nghệ ngày càng phát triển, hoạt họa và đồ họa cũng ngày càng được nâng cao. Vậy qua nhiều năm thì thiết kế những chiếc mũi trong anime đã thay đổi như thế nào? Hãy cùng xem thời gian và công nghệ đã “tiến hóa” bộ phận cơ bản này của con người ra sao nhé.

Những năm 80

Summer 1983 - Magical Angel Creamy Mami
Cũng như các phần khác trên khuôn mặt thì chiếc mũi trong anime thường không được vẽ sát thực. Trong anime shoujo idol kinh điển ở trên thì nhân vật chính Yuu có một chiếc mũi nhỏ và hơi cong. Phần bên dưới nở rộng hơn và có điểm nhấn, tạo nên chiếc mũi tròn rất đáng yêu. Style này cũng xuất hiện ở một loạt anime khác như Sasuga no Sarutobi và Kimagure Orange Road.
Một người bạn của Yuu là Toshi cũng có một chiếc mũi cong. Nhưng ở đây phần đỉnh mũi lớn hơn một chút, cả sống mũi cũng được vẽ rõ không giống như Mami. Có thể nói từ hồi đó đã có sự phân biệt giữa mũi của nam và nữ.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu xu hướng có rất ít kiểu mũi cho nhân vật nữ trong anime. Mũi của phụ nữ và các cô gái chỉ được vẽ hoặc là tròn đầy đáng yêu, hoặc là có đỉnh nhọn như Megumi ở trên. Một số chiếc mũi nhọn như thế còn sắc đến mức có thể dùng làm vũ khí như trong Majokko Megu-chan hoặc Detective Conan.
Mũi của các thành viên nam trong hội đồng công ty tìm kiếm tài năng của Yuu được minh họa bằng nhiều kiểu thú vị khác nhau. Nhưng cũng như các cô gái trẻ đẹp thì những chàng trai đã được định trước là đẹp trai hơn sẽ được vẽ mũi nhọn giống Megumi. Từ đó dẫn đến tiêu chuẩn mũi của anime đó là ai có mũi thon nhọn tức là người ấy rất hấp dẫn. Nếu muốn thấy nhiều kiểu mũi nam khác nhau thì loạt phim Lupin III là một ví dụ tốt, nhất là đối với các nhân vật phụ.
Winter 1986 – Dragon Ball
Series Dragon Ball ra đời vào khoảng giữa những năm 80 và là mở đầu cho những chiếc mũi chấm phá không có sống mũi như Goku. Khác với nhiều nhân vật khác về sau, chiếc mũi của cậu vẫn giữ nguyên hình dạng dù khuôn mặt có thay đổi như thế nào. Thay đổi lớn nhất phải kể đến Bulma có đường mũi mỏng hơn.
Winter 1989 - Legend of the Galactic Heroes
Mũi của Reinhard và Siegfried được thiết kế không hề đơn giản, chúng rất sống động và có cả lỗ mũi. Đáng tiếc là các nhân vật anime thường không có đặc quyền ngửi như thế này, nên phải đến lâu sau kiểu mũi này mới được dùng lại.

Những năm 1990

Spring 1992 - Sailor Moon
Sailor Moon ra mắt vào những năm 90 và phổ biến rộng rãi những chiếc mũi nhọn. Kể từ đó, hầu hết các nhân vật đều được vẽ mũi cong nhọn hơn là tròn trịa. Trong Oniisama e… cũng vậy.
Nhìn lướt qua thì Tuxedo Mặt Nạ có cùng kiểu mũi như Usagi, nhưng nhìn kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện sống mũi anh ấy thẳng giống như họa sĩ dùng thước kẻ vậy.
Summer 1997 - Pokemon
Vào khoảng cuối những năm 90, chúng ta thấy những chiếc mũi được vẽ bằng một đường thẳng khi nhân vật nhìn chính diện. Từ trước đó cũng đã xuất hiện kiểu mũi này như của Ash, nhưng nó ngắn hơn và đường thẳng này trở nên dài ra ở các thế hệ sau. Khi Ash nhìn thẳng vào máy quay, mũi cậu ấy giống như bị kéo lệch sang một bên vậy.
Misty đã cho chúng ta thấy sự lột xác từ những chiếc mũi hơi tròn đáng yêu kiểu cổ điển thành chiếc mũi nhọn xinh xắn, mà không cần sống mũi như Sailor Moon. Nó cũng khá giống ký hiệu dấu lớn hơn, bé hơn (> <) trong môn Toán cơ bản. Một ví dụ khác của kiểu mũi này là trong Kodomo no Omocha.
Spring 1998 - Cowboy Bebop
Mũi của Spike có thể nói là một ví dụ chân thực nhất khi có cả lỗ mũi, nhọn ít hơn và đổ bóng.
Như mọi khi thì cánh đàn ông luôn có nhiều kiểu mũi hơn. Ví dụ như chiếc mũi hình mũi tên của Jet, hay nhiều kiểu dáng khác đến từ các nhân vật phụ trong Cowboy Bebop. Domon Ishijima trong Rekka no Honoo cũng là một ví dụ hay về chiếc mũi quá khổ.

Những năm 2000

Summer 2001 - Fruits Basket
Bước sang thế kỷ mới thì giới tính các nhân vật có sự khác biệt ít đi. Trong series shoujo Fruits Basket, cả nam và nữ đều được vẽ mũi nhọn, có thể thấy ở trên mũi của Yuki chỉ lớn hơn một chút so với Tohru.
Tuy vậy, mũi của các nhân vật lại rất khác khi họ nhìn thẳng vào máy quay. Ở đây, chúng ta thấy mũi của Tohru gần như biến mất, chỉ còn lại một nét nhỏ và bóng đổ. Có khi bạn sẽ phải thắc mắc liệu cô ấy có ngửi được với một chiếc mũi nhỏ xíu như vậy không.
Fall 2002 - Naruto
Các nhân vật trong Naruto có thể thở phào vì họ đã có lỗ mũi – chính là hai chấm nhỏ ngay phía dưới. Giống như trước đây thì phần dưới mũi đã được nhấn mạnh, nhưng giờ được vẽ bằng bóng đổ thay vì đường cong.
Khi nhìn ngang, mũi của Naruto được họa sĩ vẽ đúng với kiểu mũi trẻ con nhưng thật hơn so với các anime trước đây. Nó không còn đỉnh nhọn nữa mà được vẽ tỉ mỉ và tròn trịa. Phần dưới mũi có cả bóng đổ và lỗ mũi khiến chúng nhìn thật hơn.
Fall 2006 - Code Geass
Khi nhìn một bên thì Lelouch có một chiếc mũi sắc nhọn như Ash và Misty. Tuy nhiên, khi nhìn chính diện, kiểu mũi này đã được phát triển từ thiết kế đơn giản của những năm 90. Toàn bộ chiếc mũi được vẽ bóng thay vì chỉ một phần nhỏ, còn đường thẳng được kéo dài ra tạo nên sống mũi hoàn chỉnh.
Như thường lệ trong anime, những người đàn ông lớn tuổi trong Code geass thường có mũi to hơn các chàng trai trẻ. Giống như họ bị dính lời nguyền càng nhiều tuổi hơn thì mũi càng to ra vậy… Ít nhất thì phụ nữ được đảm bảo an toàn trước lời nguyền đó, vì gái đẹp không bao giờ có mũi to được.
Một điểm khác biệt quan trọng khác giữa đàn ông lớn tuổi và người trẻ đó là độ cong của chiếc mũi. Hầu hết các chàng trai hấp dẫn sẽ có đường cong của mũi giống phụ nữ, còn thế hệ lớn tuổi hơn thì mũi giống như thừa ra khỏi khuôn mặt vậy.

Từ 2010 đến nay

Spring 2010 - Angel Beats!
Đây chính là sự trở lại của những chiếc mũi nhọn, nhưng nhỏ hơn nhiều so với những năm 80 và 90. Kiểu đồ họa Fruits Basket tiếp tục được sử dụng khi những chiếc mũi gần như biến mất trên khuôn mặt. Điều này có thể thấy rõ trong Nisekoi, Magi: The Labyrinth of Magic và Soredemo Sekai wa Utsukushii.
Winter 2015 - Assassination Classroom
Một xu hướng khác trong thập kỷ này đó là sự khác biệt giữa những kiểu mũi trong anime shoujo và shounen. Mũi trong anime shounen thường thiên theo hướng hiện thực, còn shoujo thì chú trọng về độ dễ thương (làm gì có con gái nào không thích mấy thứ dễ thương). Và như ta thấy ở đây, sự khác biệt về mũi giữa nam và nữ của các học sinh lớp E gần như không còn.
Chúng ta đã đi từ những chiếc mũi nhỏ đầy đặn, đến mũi nhọn nguy hiểm chết người, và giờ là những nét chấm trong quá trình lịch sử của những chiếc mũi trong anime. Hy vọng bạn thích chuyến khám phá này.
Nguồn: MAL
Người dịch: Celery
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi rõ nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét: