ANIME REVIEW: RELIFE

Bắt đầu mùa mới Summer 2016 thì đã có một anime gây xôn xao vì đã release toàn bộ 13 tập trong vòng một ngày. Đó là ReLIFE. Hòa cùng phong trào “Re” của năm nay, hết RS Project: Rebirth Storage, Rewrite, Re:Zero thì một lần nữa chúng ta lại bắt gặp câu chuyện “làm lại cuộc đời” trong ReLIFE. Nhìn chung bộ phim được đánh giá khá cao và là một trong những anime nổi bật nhất trong mùa này. Tuy nhiên TopTenHazy là nơi đi ngược lại số đông. Cụ thể như thế nào hãy theo dõi bài review dưới đây.
  • Tên: ReLIFE
  • Studio: TMS Entertainments
  • Năm phát hành: 2016
  • Số tập: 13
  • Rating: (Anidb) 8.00 ; (Myanimelist) 8.34
Câu chuyện kể về Arata Kaizaki, một nhân viên thất nghiệp 27 tuổi hiện đang trang trải cuộc sống nhờ công việc part-time. Một hôm sau trên đường về nhà sau khi chè chén với bạn bè, anh ta gặp một người lạ mặt xưng là Yoake Ryou. Yoake mời anh tham gia một cuộc thử nghiệm của viện nghiên cứu ReLIFE trong vòng một năm. Anh sẽ được cho uống một viên thuốc có khả năng làm khuôn mặt trẻ lại ở tuổi 17 và sống như học sinh cấp III bình thường. Và từ đây cuộc đời Arata bước sang một trang mới.

Nhiều anime lấy bối cảnh trường học nhưng đó chỉ là cái cớ để kể về những chuyện không liên quan, chiến đấu với quái vật, lái robot, thi thố... Còn ReLIFE thì ngược lại, có một ý tưởng rất mới lạ và độc đáo, nhưng lại bỏ qua các khía cạnh thú vị để quay về thuần học đường. Mình chỉ có thể nói rằng tác giả đang phí phạm tiềm năng. Những tình huống ở đây tuy đơn giản nhưng khá thực tế, ví dụ như chuyện ganh đua trong học tập, hay bạn thân hiểu nhầm nhau. Nhìn chung anime đã thành công trong việc xây dựng không khí và các mối quan hệ trường lớp. Nó biết cách khai thác mâu thuẫn, đặt ra nhiều tình huống và sự việc hiểu nhầm để đưa câu chuyện lên tới cao trào.

ReLIFE dựng lên một bức tranh cuộc sống phong phú của những con người trẻ hiện đại. Đó là những cô cậu học trò cuối cấp bù đầu trong thi cử và rắc rối bạn bè, là sinh viên vừa ra trường phải đối mặt với thực tế tiêu cực bên ngoài xã hội, là một nhân viên nhiệt huyết nhưng chịu áp lực thất bại đắng cay. Dù ở đâu, lứa tuổi nào thì họ vẫn luôn sống trong lo âu. ReLIFE cho họ một cơ hội để nhìn lại bản thân và thay đổi. Với ý tưởng trẻ lại ở tuổi 17 thì ai xem cũng sẽ rõ thông điệp của bộ phim này. Hãy trân trọng hiện tại, trân trọng tuổi trẻ của mình và dũng cảm đối mặt với thực tại. Đặc biệt là đối với những ai không còn ngồi trên ghế nhà trường thì ReLIFE dễ dàng tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ và truyền cảm hứng tích cực về cuộc sống.

Mặc dù có những thông điệp hay nhưng ReLIFE dường như đang đi sai hướng. Chủ đề là sự thay đổi của một anh NEET sau khi được trẻ lại. Thê nhưng cốt truyện dần bị pha loãng với những câu chuyện vướng mắc tuổi teen. Anime kể lan man về đời tư của hết người này đến người kia Yoake, Rena, Honoka, Oga. Sự tham gia của nhân vật chính thì thưa thớt dần. Đến hai tập cuối thì nó hoàn toàn là chuyện tình cảm (của nhân vật phụ) và xa rời trọng tâm ban đầu. Thật đáng tiếc vì đây lại là hai tập tốt nhất: Pacing cân đối, kết hợp hài hòa lãng mạn và hài hước, nội dung thì tươi sáng và dễ chịu hơn nhiều so với drama ở mấy tập trước. Ngoài ra cách xử lí vấn đề của anime dễ đoán và đơn điệu. Ví dụ như tập 5, Kairu bị Arata "thông não" và thay đổi suy nghĩ nhanh chóng. Hoặc khi Kairu và Honoka hiểu nhầm nhau thì cô được kéo đến trước cửa phòng đúng lúc Honoka tâm sự, vậy là nhờ nghe lén mà hiểm lầm được tháo gỡ. Mình không đánh giá cao cách giải quyết thuận tiện và dễ dàng như vậy.

Vấn đề lớn nhất ở ReLIFE có lẽ là thiếu chú trọng xây dựng các chi tiết khoa học. Đã khoa học thì khoa học cho nghiêm túc, nếu không thì thuần comedy chứ đừng nửa vời. Từ đầu đến cuối thì anime không mặn mà gì về việc giải thích chương trình ReLIFE, đó là tổ chức y tế hay công ty kinh doanh, tại sao nó tồn tại, mục đích giúp đỡ NEET là gì. Cũng không có bất cứ thông tin gì về viên thuốc, cơ sở sản xuất, thời gian hiệu lực, tác dụng phụ… Thậm chí có thể uống thuốc để trẻ lại hay già đi lúc nào cũng được, nghe cứ như phim phép thuật thần tiên. Những chi tiết trên hoàn toàn có thể bỏ qua nếu ReLIFE là một bộ thuần comedy. Sẽ không ai bắt bẻ logic trong một anime coi Sci-fi chỉ là yếu tố phụ để thúc đẩy cốt truyện.

Nhưng ReLIFE không dừng lại ở đó. Nó tận dụng chi tiết khoa học trở thành điểm then chốt và có ý nghĩa hết sức quan trọng sau này. Đó là việc xóa trí nhớ sau khi thí nghiệm kết thúc. Như vậy sci-fi ở đây đóng vai trò trọng yếu nhưng lại được xây dựng chưa đến nơi đến chốn. Thành ra mình không biết nên xem anime một cách nghiêm túc hay vui vẻ làm ngơ các chi tiết bất hợp lí. Kết quả là sau khi xem xong có quá trời câu hỏi: Nhân viên ReLIFE sao có thể tự do nghe lén nhà người khác? Xóa trí nhớ của từng người bằng cách nào, họ phải mời cả trường và những người từng thấy mặt nhân vật chính? Làm thế nào để xóa kí ức về một người duy nhất? Những việc này không vi phạm nhân quyền ư? Trẻ lại trong thời gian dài mà không bị ai để ý ư?... Với những yếu điểm như vậy thì độ enjoyment với bộ này đã giảm đi ít nhiều.
Nhân vật chính Arata Kaizaki hơi giống nam chính visual novel, mỗi tập phim lại giúp một người và từ đó có sự thay đổi tích cực ở chính bản thân. Không may Arata là một vai diễn mờ nhạt và tính cách bình thường, không có gì thú vị. Nếu chọn đại một tập để xem thì người ta sẽ tưởng Rena là nhân vật chính vì chiếm quá nhiều cảnh và lấn át Arata. Anh giống như một người cố vấn, một quan sát viên đứng ngoài lề câu chuyện chứ không tạo được nhiều ảnh hưởng trong anime. Hơn nữa nhân vật này không thể hiện được hình ảnh một người 27 tuổi. Cách ăn nói, cư xử của người trưởng thành từng trải tất yếu sẽ khác biệt và chín chắn hơn học sinh. Còn Arata lại thường có những phản ứng khá ngây ngô và làm quá lên trước những chuyện nhỏ như quên hộp bút hay bị phát hiện hút thuốc lá. Chuyện thi lại năm lần bảy lượt cũng hơi lố.
May ra nhân vật này vẫn có một vài nét tính cách người lớn như khá tinh tế và giỏi quan sát. Anh nhận ra tình cảm của Rena ngay từ lần đầu tiên thấy Rena và Oga nói chuyện, hay dễ dàng phát hiện ra túi xách của Chizuru bị lấy cắp. Thi thoảng Arata cũng nói được nhiều câu ra dáng người lớn, thậm chí còn "giảng đạo" cho người khác. Một điểm hay ho nữa đó là không lo chuyện bao đồng. Anime thường có một vấn nạn chung là nhân vật chính cứ như đấng toàn năng, vấn đề gì cũng phải tới tay anh này mới giải quyết được. Còn với Arata thì có những rắc rối cậu có thể giúp được, có cái thì không, người trong cuộc phải tự xử lí lấy. Điều đó làm cho nhân vật trở nên thực tế hơn. Đặc biệt trong tập cuối, nhân vật này rất tỏa sáng. Anh thể hiện được những xung đột tâm lí tinh tế, có chiều sâu nhất trong cả bộ.
Một trong những nhân vật nữ nổi bật nhất trong mùa, người người nhà nhà treo avatar nụ cười thần thánh của chị. Đây cũng là người đem lại nhiều tiếng cười nhất trong anime. Tuy nhiên chừng đó chưa đủ làm nên một nhân vật hay. Tính cách của Chizuru thuộc kiểu kuudere/dandere mà chúng ta đã thấy quá nhiều rồi. Cô cũng chìm hơn so với Rena và thậm chí gần như biến mất từ tập 7-9. Mãi sang tập 10 thì Chizuru mới thể hiện được sự tác động lớn vào cốt truyện. Đáng tiếc là anime hơi quá tay trong việc khắc họa sự chủ động của cô khi muốn hai đứa bạn thân làm lành với nhau. Tính cách của Chizuru tự nhiên bộc phát so với thường ngày và thay đổi quá nhanh so với hình ảnh một cô gái "tự kỉ" nặng trong nhiều năm.
Từ trái qua phải: Rena, Oga, Yoake, Onoya, Honoka
Một nhân vật "cướp vai" thành công trong anime là Rena Kariu. Ba arc lớn nhất thì đều liên quan đến chị này. Đây là nhân vật sở hữu tính cách thực tế nhất trong cả bộ. Cô tsun nặng, rất bướng bỉnh, nóng nảy và thích cạnh tranh, nhưng thực chất dễ bị tổn thương và tự ti khi so sánh với người khác. Rena là mẫu người hay GATO mà hẳn là ai cũng từng bắt gặp trong cuộc sống. Tâm lí và tính cách của cô được thể hiện rất xuất sắc trong tập 4-5. Từ sự ganh tị âm ỉ với hai cô bạn cùng lớp, nỗi bực dọc mỗi khi nhìn thấy nụ cười khả ố của Chizuru, sự ức chế và bất lực ngày một tăng, cho đến lúc bộc phát thành hành động sai trái. Tất cả đã làm nên một Rena rất chân thực, rất con người. Tuy nhiên về sau thì tính cách của cô thiếu nhất quán. Anime có xu hướng đẩy Rena vào tình trạng tsun quá đà khiến cho drama của nhân vật này khá là mệt và nặng nề.

Kazoumi Oga là nhân vật mình hài lòng nhất trong cả bộ vì tính cách tốt bụng, dễ chịu, đụng đến chuyện tình cảm thì rất dễ thương và buồn cười. Nhìn chung cậu ta hoàn thành tương đối ổn bổn phận của một vai phụ, nhất là hai tập cuối khá tỏa sáng. Tuy nhiên diễn biến tình cảm của Oga hơi nhanh. Từ đầu đến tập 12 thì không có cái hint nào rõ ràng, vì cậu ta đối xử với ai cũng như nhau, luôn tỏ thái độ như một người bạn tốt bụng. Nhưng Oga nhận ra tình cảm của mình khá bất ngờ và tất cả được giải quyết chỉ trong hai tập phim. Phải chăng trước đó anime cho cậu ta vài cái hint thì sự thay đổi tâm lí sẽ diễn ra thuyết phục và đỡ đột ngột hơn, 11 tập đầu quả hơi lãng phí.

Hai vai diễn còn lại, Yoake là một nhân vật bí ẩn và thú vị, đến cuối thì chúng ra vẫn chưa khám phá hết tính cách của anh này. Yoake được ưu ái dành hẳn một tập để đi sâu vào quá khứ và thất bại trước đây. Mặc dù vậy anime có vẻ đang bỏ lỡ tiềm năng của nhân vật để đi xây dựng một hình tượng giả tạo, thi thoảng lại nói vài câu triết lí nguy hiểm. Thật khó hiểu tại sao Arata có thể trao niềm tin và uống thuốc một người lạ đưa cho trong lần đầu tiên gặp mặt, mà nhìn kiểu gì cũng thấy Yoake không thuyết phục và đáng tin chút nào. Cùng một vai trò như Yoake nhưng nhân vật Onoya còn kém may mắn hơn vì thiếu chiều sâu. Lí do duy nhất nhân vật này cần thiết cho nội dung đó là sự liên hệ với đối tượng 001, nhưng anime không hề đả động đến mối quan hệ này. Thành ra nếu bỏ Onoya đi thì cốt truyện cũng chả ảnh hưởng gì. Cũng như Arata thì hai nhân vật này đều không thể hiện được tính cách của một người trưởng thành sau khi trẻ hóa.
Về mặt hình ảnh, mặc dù là Web anime nhưng animation của ReLIFE không thua kém gì Tv series. Background được đầu tư khá đẹp mắt, tông màu tươi sáng hài hòa phù hợp với bối cảnh học đường. Tuy nhiên điều mình đánh giá cao nhất ở bộ này đó là chuyển cảnh hay vả sử dụng nhiều kỹ thuật animation sáng tạo để kể chuyện và miêu tả nội tâm nhân vật. Đơn cử như trong tập 4, sự sững sờ của Rena khi bắt gặp Chizuru và Oga đi cùng nhau, được thể hiện qua slow motion Chizuru bước từ trong nhà ra kèm theo nụ cười "thân thiện". Hoặc là cảnh Chizuru và Honoka đi theo hai hướng khác nhau, còn lại Rena cô độc đứng ở giữa thể hiện cảm giác bị bỏ rơi, sự bất lực khi cố đuổi kịp hai người bạn. Những chi tiết như vậy đã giúp khắc họa một cách tinh tế tâm lí nhân vật.

Bên cạnh đó thì anime cũng có khá nhiều điểm trừ. Thiết kế nhân vật hao hao nhau và không có nét nổi bật riêng, nếu không có tóc tai khác nhau thì thực lòng khó mà phân biệt được mặt mũi của họ. Vẽ người thì khó hình dung được tuổi tác, nhất là Yoake và Onoya khi 27 hay 17 chả khác gì nhau, nếu không nhìn quần áo và chiều cao thì chịu. Nhân vật đôi khi bị lệch mặt, tỉ lệ không cân đối, nhất là khi ở khoảng cách xa. Nhân vật nền như ở trong lễ hội thì khỏi cần vẽ luôn. Đôi khi anime còn xài đứng hình khá lâu như cảnh ăn uống ở căng tin, chỉ phát ra tiếng độc thoại của nhân vật chứ không hề cử động. Biểu cảm comedy cũng thiếu sự đa dạng, có lúc dùng chibi không thích hợp. Nhưng cũng có những biểu cảm rất đắt giá như nụ cười của Chizuru hay cảnh thẹn thùng của Oga.

Cuối cùng đó là âm nhạc. Toàn bộ anime chỉ có vài bài nhạc nền piano và jazz phát đi phát lại. Thông thường cách sử dụng nhạc cơ bản nhất đó là cảnh vui thì chèn bài vui tươi, cảnh buồn thì bài nhẹ nhàng. Nhưng ở đây, có những phân đoạn buồn như lúc Honoka muốn xin lỗi Rena ở phòng y tế, thì một giai điệu lạc quan vang lên làm phá hỏng tâm trạng. Những người làm phim dường như dùng nhạc ngẫu nhiên không cân nhắc gì. Hiệu ứng âm thanh thì rất nghèo nàn. Những cảnh cần nhiều âm thanh, tiếng động, tiếng ồn của đám đông như trong lễ hội thì hoàn toàn im bặt, làm mất đi không khí sôi nổi, đông vui. Bù lại thì ca khúc mở đầu phóng khoáng, tươi vui rất hợp với chủ đề học đường của anime. Đặc biệt là Ending được đầu tư mỗi tập một bài, toàn những ca khúc nổi tiếng ngày xưa và cực kì hay, gợi hoài niệm của người xem về tuổi học trò. Ngoài ra lồng tiếng các nhân vật đều ổn không có gì đáng phàn nàn.

Mặc dù bài viết chê khá nhiều nhưng thực sự ReLIFE có giá trị giải trí rất cao, bất kì ai xem cũng có dể dễ dàng bị nó cuốn hút. Tuy nhiên anime đã lược bỏ khá nhiều từ manga nên đọc truyện là sự lựa chọn tốt hơn. Với nội dung hài hước và thông điệp ý nghĩa, ReLIFE là lời nhắc nhở chúng ta hãy sống trọn vẹn từng phút giây trong đời, đừng để sau này phải hối tiếc vì không phải bao giờ chúng ta cũng có cơ hội sửa chữa lại quá khứ của mình. Dù thực tại có khắc nghiệt như thế nào cũng không được phép trốn tránh mà can đảm đối diện với nó, đó là cách chúng ta trưởng thành.
Overall: 7
Người viết: Hazy Nguyen
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

0 nhận xét: